Nhận quả đắng vì quá "khát" nhà
Hơn một năm nay, gia đình anh Đỗ Văn Cường (quê ở miền Trung, đang sinh sống tại một căn nhà thuê ở Hà Nội) bỗng dưng rơi vào cảnh túng quẫn, lục đục vì bị lừa toàn bộ số tiền tích cóp cả chục năm trời.

Dự án nhà ở xã hội Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) dự kiến bắt đầu nhận hồ sơ từ tháng 8 tới.
Anh Cường kể, sau nhiều tháng lùng sục khắp các trang mạng xã hội để săn nhà giá rẻ, anh thấy có bài đăng nhượng lại suất ngoại giao tại dự án nhà ở xã hội Hạ Đình (Thanh Trì) với giá gốc của chủ đầu tư (chỉ bằng 1/3 so với thị trường). Tuy nhiên, để mua lại được suất ngoại giao này, phải trả thêm tiền chênh 700 triệu đồng.
"Liên tục nhiều ngày sau đó, họ gửi các văn bản thể hiện mối quan hệ hợp tác với chủ đầu tư, thông báo tiến độ thi công, thời gian nhận cọc mà sau này tôi mới biết đều được làm giả.
Địa điểm giao nhận tiền là văn phòng công ty tại một biệt thự liền kề hoành tráng; đích thân giám đốc và kế toán đứng ra ký hợp đồng có dấu đỏ nên chúng tôi yên tâm nộp đủ 700 triệu đồng. Đến thời gian hẹn ký hợp đồng với chủ đầu tư, họ lấy mọi lý do để trì hoãn. Thấy bất an, tôi nhiều lần đến đòi tiền thì họ quanh co không trả", anh Cường kể.
Theo anh Cường, anh cùng nhóm 24 người đều là nạn nhân của Công ty Tân Nhật Phát đã làm đơn tố giác đến cơ quan công an về hành vi lừa đảo.
Một nạn nhân khác là chị Nguyễn Thu Trang (Chương Mỹ, Hà Nội). Từ đầu năm 2022, khi trực tiếp khảo sát vị trí xây dựng một dự án nhà ở xã hội tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, chị đã được nhóm sale bất động sản của một sàn mới khai trương cạnh đó chào bán các suất nội bộ.
Nhóm này khẳng định có người nhà làm trong phòng dự án của chủ đầu tư, được phân phối 10 căn dành cho nhân viên. Sàn giao dịch chỉ là trung gian kết nối, chuyển hồ sơ của khách cho nhân viên dự án xử lý. Chi phí kết nối cho mỗi bộ hồ sơ là 250 triệu đồng, gồm phí tư vấn, hỗ trợ pháp lý và hướng dẫn thủ tục.
Sẵn tâm lý đang "khát" nhà, lại thấy số tiền chênh không quá lớn, chị Trang đã ký thỏa thuận và chuyển tiền. Đến nay, đã hơn 3 năm, dự án này vẫn chưa mở bán nên chị không biết số tiền 250 triệu đồng của mình đi đâu, còn hay mất.
Biết nhưng không thể ngăn chặn
Đại diện Công ty CP BIC Việt Nam (Công ty BIC), chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Rice City Long Châu cho biết, nhiều người dù không thực sự có nhu cầu về chỗ ở cũng nhờ người thân đứng tên hồ sơ để hợp thức hóa điều kiện đăng ký. Thậm chí, có trường hợp bất chấp tìm cách kết nối với cò mồi để làm sai lệch hồ sơ nhằm trục lợi chính sách.
"Qua kiểm tra, rà soát, chỉ có khoảng 20% hồ sơ đủ điều kiện. Còn lại, phần lớn hồ sơ không đủ thông tin, hay xác nhận sai nội dung", vị này nói.
Tháng 12/2024, tại dự án nhà ở xã hội trên địa bàn xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, từ lúc khởi công, thường xuyên xuất hiện các nhóm người tập trung tìm hiểu tin tức, lân la bắt chuyện với các khách hàng tới khảo sát dự án.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư - Chi nhánh Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) xác nhận: "Bản thân tôi cũng rất bất ngờ khi thấy trên mạng tràn ngập thông tin chào bán căn hộ tại dự án này, trong khi chúng tôi là chủ đầu tư chưa cung cấp thông tin ra ngoài".
Ông Dũng khẳng định, chỉ nhận trực tiếp hồ sơ từ người mua, không nhận online, không qua bất kỳ trung gian nào. Đơn vị chỉ tiếp nhận hồ sơ chính chủ đứng tên trong đơn đăng ký, đối chiếu CCCD rõ ràng, tránh xếp hàng nộp hộ, bán số thứ tự. Vì thế, tất cả những trường hợp như 2 nạn nhân kể trên gặp phải đều là lừa đảo.
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đề nghị Công an TP Hà Nội tăng cường chỉ đạo công an cấp xã (nơi có dự án nhà xã hội) rà soát, xử lý môi giới lợi dụng nhận kê khai, nộp hồ sơ trái pháp luật.
Cẩn trọng để tránh bị lừa
Hiện nay, Hà Nội đã có trên 20 dự án nhà ở xã hội được cập nhật vào kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Khi nhiều dự án được triển khai, cơ hội mua nhà của người dân càng lớn, cũng là thời điểm các đối tượng xấu giở chiêu trò, lừa đảo.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, để tránh bị lừa đảo khi mua nhà ở xã hội, người dân cần thận trọng. Trước hết, cần xác minh tính hợp pháp của dự án, làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, không thông qua trung gian mập mờ và hợp đồng khi ký kết phải được công chứng rõ ràng.
Tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa có hợp đồng hợp pháp. Bên cạnh đó, cần kiểm tra quy trình mua bán, bởi loại hình nhà ở xã hội không thể giao dịch tùy tiện hay "chạy" suất ngoại giao như nhiều người quảng cáo. Trường hợp không may bị lừa, người dân cần thu thập đầy đủ bằng chứng, bao gồm hợp đồng, biên lai chuyển tiền, tin nhắn và email trao đổi với môi giới để làm cơ sở khiếu nại hoặc tố cáo.
Khách hàng cũng có thể gửi đơn khiếu nại đến chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản hoặc Sở Xây dựng địa phương để yêu cầu giải quyết. Nếu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, cần tố giác ngay đến các cơ quan chức năng.
Liên quan việc hàng chục khách hàng tố cáo bị lừa mua nhà ở xã hội, ngày 29/4, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, một nhóm hơn 20 khách hàng đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo Công ty Tân Nhật Phát (quận Hà Đông) lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức nộp tiền chênh để được mua suất ngoại giao nhà ở xã hội tại các dự án như: Ecohome (Bắc Từ Liêm), NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm), NO1 Hạ Đình (Thanh Trì)... Các bị hại phản ánh, số tiền bị lừa từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận