Ngày 18/4, tại buổi tập huấn cho cán bộ và các đơn vị liên quan trên địa bàn Đà Nẵng về công tác lập, thẩm định, nghiệm thu về PCCC dự án đầu tư xây dựng khi Luật PCCC và Cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực (từ ngày 1/7/2025), đại diện Công an TP Đà Nẵng nêu bất cập thường thấy trong công tác tiếp nhận, nghiệm thu hồ sơ về lĩnh vực này.

Công an Đà Nẵng hướng dẫn người dân tại các tòa nhà chung cư về công tác PCCC.
Theo trung tá Trần Lê Minh Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Đà Nẵng, thực tế lâu nay chưa có công trình nào khi nộp vào đã đủ điều kiện về PCCC mà hầu như công trình nào cũng có vài lần kiến nghị, có công trình phải 7-8 lần kiến nghị và giải đáp. Qua đó để thấy rằng có rất nhiều bất cập trong quá trình tiếp nhận hồ sơ và thẩm duyệt hồ sơ liên quan đến công tác PCCC.
Nhiều bất cập liên quan như các đơn vị tư vấn chưa lĩnh hội được các quy chuẩn, tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành về công tác PCCC nên khi tư vấn cho các nhà đầu tư không đảm bảo các yêu cầu. Kéo theo khi nộp hồ sơ cũng không đạt, bắt buộc phải thực hiện lại theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Điều này ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư, nhất là những công trình có vốn đầu tư công.
Trong quá trình thẩm duyệt có nhiều vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất là quá trình tính toán liên quan đến thoát nạn của công trình. Đại diện Công an TP Đà Nẵng nêu thực trạng, trong hồ sơ thẩm duyệt có tình trạng cóp dán từ công trình này qua công trình khác đặc biệt là trong các thuyết minh. Có những công trình đề nghị thẩm định PCCC là nhà cao tầng nhưng thuyết minh là nhà xưởng.
Các điều kiện thoát nạn yêu cầu 2 thang nhưng đơn vị tư vấn lại đưa vào thiết kế có 1 thang dẫn đến các công trình đó không thể nào tiến hành thẩm định. Có những trường hợp có đơn vị không có chức năng tư vấn thiết kế nhưng lại mượn pháp nhân của đơn vị khác để đứng vào nên không nắm về kiến thức PCCC. Thẩm duyệt PCCC đã phức tạp, nghiệm thu còn nhiều phức tạp hơn.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an TP Đà Nẵng, thời gian tới các hồ sơ dịch công sẽ làm ở môi trường trực tuyến chắc chắn sẽ không đảm bảo được tiến độ nên cơ quan quản lý PCCC đã có hướng mở đó là có thể trực tiếp hướng dẫn cho đơn vị tư vấn thiết kế.

Trung tá Trần Lê Minh Dũng - Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an thành phố Đà Nẵng chia sẻ những bất cập trong công tác thẩm định, nghiệm thu về PCCC của các dự án, công trình xây dựng.
Ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: Luật PCCC và Cứu nạn, cứu hộ năm 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025 với nhiều quy định mới về thẩm quyền thẩm định, nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy dự án đầu tư xây dựng, bổ sung thẩm quyền thẩm định PCCC đối với cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư và chủ đầu tư dự án xây dựng.
Vì vậy, việc chủ động nâng cao năng lực, chất lượng trong công tác lập, thẩm định, nghiệm thu PCCC phù hợp với tình hình địa phương và quy định pháp luật, sẵn sàng triển khai nhiệm vụ khi pháp luật PCCC có hiệu lực là hết sức cần thiết.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng Đà Nẵng sẽ phối hợp Công an TP Đà Nẵng để xây dựng quy chế phối hợp trong việc thực hiện thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy cho các dự án xây dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận