Bình Định: Gấp rút sửa nhà công vụ, mở rộng chính sách nhà ở xã hội
Tại Bình Định, chủ trương sáp nhập tỉnh này với Gia Lai, "thủ phủ" đặt ở Bình Định đang được hai địa phương lập đề án triển khai đồng thời rà soát cơ sở, nhà công vụ để làm việc, hỗ trợ lưu trú cho cán bộ phải di chuyển xa.
Trao đổi với PV, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết: Trước mắt, tỉnh sẽ trưng dụng nhà khách Thanh Bình làm nhà công vụ. Trong tháng này, việc sửa chữa nhà công vụ sẽ được gấp rút triển khai để sớm đưa vào sử dụng.

Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho hay Bình Định định hướng hỗ trợ cán bộ mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi.
Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện nay quỹ nhà công vụ không đủ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho toàn bộ cán bộ. Về lâu dài, Bình Định định hướng hỗ trợ cán bộ mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi.
Hiện, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Tính đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 4.427 căn, đang xây dựng gần 5.000 căn và chuẩn bị khởi công thêm 2.572 căn. Dự kiến đến năm 2030, Bình Định sẽ hoàn thành khoảng 12.900 căn hộ.
"Sang tuần, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Bình Định và Gia Lai sẽ có cuộc họp bàn và thống nhất phương án triển khai tiếp nhận cán bộ", ông Tuấn cho hay.
Ông Lê Anh Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Định chia sẻ, sau thông tin sáp nhập, thị trường bất động sản tại địa phương đã có dấu hiệu "nóng" trở lại, đặc biệt là khu vực trung tâm hành chính mới dự kiến đặt tại TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, để có số liệu chính xác về nhu cầu nhà ở, địa phương sẽ tiếp tục khảo sát và đánh giá cụ thể.
Đắk Lắk: Sử dụng tối đa quỹ nhà hiện có, huy động hơn 85 tỷ đồng cải tạo cơ sở
Tỉnh Đắk Lắk đang gấp rút hoàn thiện phương án bố trí chỗ ở cho khoảng 1.000 cán bộ, công chức từ Phú Yên chuyển đến sau sáp nhập.
Qua rà soát, TP Buôn Ma Thuột hiện có 35 cơ sở nhà ở có thể sử dụng ngay, đáp ứng được khoảng 360 người. UBND tỉnh cũng đã đề xuất trưng dụng thêm trường Cao đẳng Đắk Lắk (số 30 Y Ngông) và Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh (số 08 Mai Hắc Đế) để bố trí thêm 379 chỗ ở.

Trung tâm ngã sáu TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - nơi đặt trụ sở tỉnh sau sáp nhập.
Tuy nhiên, sau khi tận dụng toàn bộ cơ sở hiện có, vẫn còn thiếu khoảng 258 chỗ ở. Tổng kinh phí dự kiến để sửa chữa, cải tạo và trang bị cho các cơ sở lên tới hơn 85 tỷ đồng, huy động từ ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương (nếu có) và nguồn xã hội hóa từ sự tự nguyện đóng góp của cán bộ.
Việc cải tạo, nâng cấp sẽ hoàn tất trong tháng 6 để có thể bàn giao chỗ ở từ tháng 7.
Tỉnh dự kiến bố trí phương tiện cho khoảng 1.000 cán bộ, công chức di chuyển giữa Phú Yên và Đắk Lắk. Trong đó, 120 người thuộc diện sử dụng xe công vụ, số còn lại sẽ được bố trí xe đưa đón tập trung theo lịch trình cố định.
Khánh Hòa - Ninh Thuận: Thành lập Ban chỉ đạo chung, đảm bảo giao thông kết nối
Trong phương án sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận, trung tâm hành chính được xác định đặt tại Khánh Hòa. Để chuẩn bị cho quá trình sáp nhập, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo chung do hai Bí thư Tỉnh ủy đồng giữ vai trò Trưởng ban, cùng các tiểu ban phối hợp thực hiện từng hạng mục công việc.

Tuyến đường ven biển nối tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Các phương án bố trí phương tiện, đảm bảo điều kiện đi lại thuận lợi cho cán bộ từ Ninh Thuận ra Khánh Hòa công tác cũng đã được lên kế hoạch. Mục tiêu là bảo đảm công việc không bị gián đoạn trong quá trình chuyển giao.
Các dự thảo liên quan sẽ được trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh xem xét, thống nhất trước khi báo cáo Trung ương phê duyệt.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phải hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý khi sáp nhập tỉnh trước ngày 25/5 và phương án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, trưởng các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, HĐND tỉnh trước ngày 15/7.
Quảng Ngãi - Kon Tum: Thành lập 6 tổ công tác, xây dựng đề án hợp nhất
Tại cuộc họp mới đây giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Kon Tum, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất thành lập 6 tổ công tác chung để thực hiện các nhiệm vụ sáp nhập gồm: Văn kiện đại hội, tổ chức bộ máy, cán bộ, chính sách địa phương, tài chính - ngân sách, trụ sở và tài sản công.

Quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với Kon Tum.
Trong quá trình xây dựng đề án hợp nhất, hai địa phương sẽ xem xét kỹ các yếu tố đặc thù như truyền thống văn hóa, dân tộc, vị trí địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội để đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, đồng thời nghiên cứu nâng cấp hạ tầng kết nối như quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.
Từ nay đến thời điểm hoàn thành sáp nhập (1/9), hai tỉnh sẽ luân phiên tổ chức các cuộc họp định kỳ 3 tuần/lần để rà soát, tháo gỡ các vấn đề phát sinh.
Việc chủ động lên phương án cụ thể từ nơi ở, đi lại, đến sắp xếp tổ chức bộ máy cho thấy quyết tâm của các địa phương miền Trung trong việc thực hiện hiệu quả chủ trương sáp nhập tỉnh.
Dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, hạ tầng, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và chỉ đạo từ Trung ương, quá trình chuyển giao được kỳ vọng sẽ diễn ra suôn sẻ, ổn định, không ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy hành chính và đời sống cán bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận