Trong Thông tư số 26/2025 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh có hiệu lực từ tháng 7 do Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành, có nhiều điểm mới so với trước đây.

Ung thư vú là một trong những bệnh lý có thể được nhận thuốc điều trị ngoại trú 3 tháng/lần (ảnh minh họa).
Theo đó, thông tư quy định việc kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 30 ngày, trừ một số trường hợp bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép. Những trường hợp này sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, không quá 90 ngày (trước đây giới hạn tối đa là 30 ngày) đối với mỗi thuốc.
Trong danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày có 16 nhóm và 252 bệnh. Đây là các bệnh về nhiễm trùng, ký sinh trùng; bệnh của máu; bệnh tâm thần; bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa; thai nghén, sinh đẻ và hậu sản…
Các bệnh mạn tính phổ biến được cấp thuốc tới 90 ngày như tăng huyết áp, một số mã của bệnh đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), rối loạn lo âu, trầm cảm, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, viêm gan B mạn tính, Thalassemia, Parkinson, mất trí trong bệnh Alzheimer...
Tại phòng khám Vú của Bệnh viện K, nhiều người bệnh đã không giấu nổi niềm vui khi nhận được thông tin sẽ được cấp phát thuốc 3 tháng/lần thay vì mỗi tháng 1 lần như trước đây.
Chị Lê Thị T (43 tuổi, Hưng Yên) chia sẻ: Năm 2024, tôi được chẩn đoán ung thư vú phải, giai đoạn 2, thể nội tiết. Tôi nhập viện phẫu thuật và sau đó được điều trị 6 mũi hóa chất. Cuối 2024, tôi được chuyển sang khoa Xạ, xạ 15 đợt và được hướng dẫn về nhà theo dõi, tái khám định kỳ. Theo lịch tái khám, cứ mỗi 3 tháng tôi đều tới bệnh viện. Tuy nhiên, thuốc điều trị thì phải lấy theo từng tháng. Mỗi tháng đều phải xin nghỉ 1 ngày để lên Hà Nội vào viện lấy thuốc, thực sự rất mệt mỏi.
Lần này đi khám, được bệnh viện thông báo thực hiện Thông tư mới của Bộ Y tế về việc cấp phát thuốc cho người bệnh, chúng tôi được phát thuốc 3 tháng một lần. Giờ tôi không còn phải lo lắng về việc mỗi tháng phải di chuyển lên Hà Nội lấy thuốc, không phải mệt mỏi, áp lực mỗi lần vào viện, chờ đợi rất lâu, tốn kém chi phí đi lại, ăn uống.
Tâm trạng tương tự, chị Nguyễn Thị M (Tuyên Quang) cho biết: "Tôi bị ung thư vú và đã phẫu thuật năm 2023, vào hóa chất 8 đợt, kèm thuốc đích. Hiện tại tình trạng của tôi đã ổn định nên chỉ tới khám định kỳ 3 tháng một lần.
Tuy nhiên vì vẫn cần dùng thuốc nội tiết nên tôi vẫn phải di chuyển từ địa phương lên thành phố để lấy thuốc hàng tháng. Việc di chuyển, lên bệnh viện lấy thuốc điều trị thường mất cả ngày, tôi phải xin nghỉ làm để có đủ thời gian. Việc hỗ trợ bệnh nhân được lấy thuốc 3 tháng vào 1 lần chính là mong muốn của mỗi người bệnh chúng tôi khi đến đợt lấy thuốc.
Không chỉ người bệnh, các bác sĩ tại Bệnh viện K cũng cho biết đây là một thay đổi tích cực, góp phần giảm thiểu áp lực không những cho người bệnh mà cả cho các cán bộ nhân viên, y bác sĩ. Người bệnh có thể giảm bớt thời gian đi lại để lấy thuốc, tiết kiệm chi phí lớn. Đồng thời các cán bộ, nhân viên y tế và bác sĩ cũng sẽ bớt áp lực về vấn đề quá tải bệnh nhân, nâng cao năng suất hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh.
Chia sẻ về những quy định trong thông tư mới này, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết: Danh mục này được lấy ý kiến từ hơn 20 bệnh viện tuyến cuối thuộc các chuyên khoa như nội tiết, nhi, lão khoa, thần kinh, tâm thần… và sau đó thẩm định qua các hội đồng chuyên môn.
Ông Dương cũng lưu ý không phải cứ mắc bệnh trong danh mục là sẽ được mặc định cấp thuốc 90 ngày. Bác sĩ sẽ phải đánh giá từng bệnh nhân cụ thể để quyết định số ngày cấp thuốc, có thể là 30, 60 hoặc tối đa 90 ngày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận