Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Chính sách

Những chính sách chú ý về đất đai sau sáp nhập tỉnh, thành

Những chính sách chú ý về đất đai sau sáp nhập tỉnh, thành

04/07/2025, 19:59

Các thủ tục được phân cấp trong cấp xã gồm nhiều nội dung thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi và nhu cầu hàng ngày của người dân. Trong đó, một số quy định mới liên quan cấp sổ đỏ, được áp dụng ngay sau khi sáp nhập tỉnh, thành.

Rút ngắn thời gian, quản lý hiệu quả

Cấp xã sẽ có thẩm quyền xác nhận lại diện tích đất ở trong giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 1/7/2004, đính chính thông tin sai sót trong sổ đỏ, thu hồi và cấp giấy chứng nhận trong trường hợp cấp sai quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ký cấp sổ đỏ cho cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và cộng đồng dân cư.

C:\Users\ASUS\Downloads\DJI_20250512170323_0126_D.jpg

Việc phân cấp các thủ tục hành chính đất đai cho cấp xã không chỉ giúp giảm tải cho cơ quan cấp trên mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Ngoài ra, cấp xã cũng được phép tiếp nhận và quyết định một số thủ tục về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh người dân có nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở hoặc xin giao đất để làm nhà, nhưng thường gặp khó khăn do phải đi lại nhiều lần lên cấp huyện.

Đáng chú ý, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền đất, cấp sổ đỏ sẽ được rút đáng kể. Cụ thể, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu không quá 17 ngày làm việc, cấp giấy chứng nhận lần đầu không quá ba ngày làm việc.

Một số quy định đáng chú ý khác như công tác hòa giải tranh chấp đất đai cũng chính thức thuộc thẩm quyền cấp xã, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh ngày từ cơ sở.

Thay vì mất thời gian, công sức đi lại xa, người dân ngay tại nơi sinh sống có thể thực hiện thủ tục đất đai ngay tại bộ phận một cửa của xã. Đồng thời, việc tích hợp thủ tục này vào dịch vụ công quốc gia cũng tạo điều kiện để người dân có thể theo dõi, tra cứu nộp hồ sơ trực tuyến một cách thuận tiện, minh bạch. Đây được xem là bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng hành chính hiệu lực, hiệu quả và hướng đến phục người dân tốt hơn.

Ông Nghiêm Xuân Nhật, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP đầu tư và phát triển BĐS TVH (TVH Land) cho rằng, việc phân cấp mạnh mẽ cho UBND cấp xã trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bước đi mang tính đột phá, thể hiện tinh thần cải cách hành chính, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Những quy định mới không chỉ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, giảm chi phí và công sức cho người dân, mà còn nâng cao hiệu quả quản lý đất đai ngay từ cơ sở. Khi được thực thi đồng bộ, minh bạch và có giám sát chặt chẽ, chính sách này sẽ góp phần tăng cường niềm tin của người dân vào chính quyền, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương.

Định hình không gian quy hoạch, đảm bảo nguồn lực đất đai

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội nhận định, tác động từ việc sáp nhập đơn vị hành chính (có hiệu lực từ 1/7/2025), việc giảm số lượng phường/xã tại Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch lại không gian đô thị, tái cấu trúc các khu dân cư, mở rộng mạng lưới hạ tầng và nâng cấp dịch vụ công.

Điều này giúp hình thành các khu vực phát triển mới và tăng sức hút cho các dự án nhà ở và thương mại. Chính sách đơn giản hóa thủ tục đầu tư xây dựng: Việc miễn giấy phép xây dựng cho một số dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 (theo Nghị định 35/2023/NĐ-CP) giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, đặc biệt có ý nghĩa với các dự án phát triển nhà ở tại khu vực mới mở rộng.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật Sư TP Hà Nội) nhận định, một trong những điểm mới đáng chú ý từ Luật Đất đai năm 2024 là việc phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính về đất đai về cấp xã.

Điều này thể hiện tinh thần cải cách hành chính, nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.

Chủ tịch UBND cấp xã sẽ có thẩm quyền ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và cộng đồng dân cư. Đồng thời, cấp xã còn được phép thực hiện một số thủ tục khác như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong phạm vi thẩm quyền.

Đáng chú ý, cấp xã cũng được giao quyền xác nhận lại diện tích đất ở trong giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 1/7/2004, cũng như đính chính sai sót trong giấy chứng nhận hoặc thu hồi, cấp lại giấy chứng nhận trong trường hợp cấp sai quy định.

Những quy định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề và vụ việc tồn đọng về đất đai từ lâu và khắc phục tình trạng sai sót trong quá trình cấp Giấy chứng nhận tại các địa phương.

Tuy nhiên, để các quy định mới phát huy hiệu quả, cần đi kèm các điều kiện bảo đảm như: Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã, số hóa hồ sơ địa chính, tăng cường kiểm tra, giám sát từ cấp trên. Chỉ khi đó, việc trao quyền mới thực sự đi đôi với trách nhiệm, đảm bảo quản lý đất đai minh bạch, hiệu quả và gần dân hơn.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, người dân chính là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ quy định mới: Thuận tiện hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện sao cho đúng luật, đúng tiến độ, tránh tình trạng "trao quyền mà không trao lực". Đây sẽ là phép thử năng lực quản trị ở cấp cơ sở trong giai đoạn cải cách hành chính toàn diện hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.