Đúng dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Báo Xây dựng nhận được bộ ảnh tư liệu quý của cố nhà báo, nhiếp ảnh gia Triệu Đại từ đại diện gia đình do nhà báo, đạo diễn Triệu Tuấn - con trai trưởng của cố nhà báo Triệu Đại cung cấp.
Bộ ảnh ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt của Bác Hồ trong những ngày chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới Thu – Đông năm 1950. Từng bức ảnh đã được nhiếp ảnh gia chú thích lại hoàn cảnh và thời gian chụp.
Trong quá trình công tác, con trai của tác giả, nhà báo Triệu Tuấn cũng gặp gỡ, tìm hiểu thêm các nhân chứng lịch sử để hiểu rõ hơn những khoảnh khắc lịch sử ý nghĩa ấy.
Trong Chiến dịch Biên giới 1950, nhà báo Triệu Đại tham gia với tư cách Trưởng phòng nhiếp ảnh, thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội. Tại chiến dịch này, ông được thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì về công tác nhiếp ảnh tại mặt trận Biên giới.
Những bức ảnh đen trắng, mộc mạc nhưng sống động, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử được gia đình cố nhà báo Triệu Đại gìn giữ suốt nhiều thập kỷ qua.

"Bác Hồ trên đường hành quân đi chiến dịch Biên giới năm 1950". Tại hội thảo Chiến thắng Biên giới 1950 tổ chức năm 2020, đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên cán bộ Văn phòng Tổng Chính ủy kể, ông tham gia chiến dịch với chức trách là phái viên của Văn phòng Bộ Tư lệnh, trong đó có nhiệm vụ cùng một số cán bộ bảo vệ của Bác Hồ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc hành quân của Bác từ Thái Nguyên lên Cao Bằng và phục vụ Bác trong những lần đi xuống thăm các đơn vị tác chiến.

Bác Hồ dừng chân nghỉ ăn trưa với bộ đội trên đường đi chiến dịch Biên giới 1950.

"Bác Hồ bàn kế hoạch tác chiến với bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới 1950". Hạ tuần tháng 8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận cùng Bộ chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Từ trái qua phải: đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Lê Văn Lương, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Bác Hồ bàn kế hoạch quân sự với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Chỉ huy sở chiến dịch Biên giới 1950". Thiếu tướng Cao Pha, nguyên Trưởng ban Quân báo của Chiến dịch Biên giới 1950 kể, khi được báo tin Bác Hồ lên mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tức anh Văn) rất vui: "Có Bác ở bên cạnh, mình càng thêm an tâm, tin tưởng...". Theo kế hoạch tác chiến ban đầu, ta định tập trung lực lượng tiêu diệt địch ở Cao Bằng, đồng thời đánh địch lên ứng cứu, chi viện. Nhưng sau đó cân nhắc lại, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương đánh Đông Khê trước, mở màn cho chiến dịch, vừa bảo đảm chắc thắng, vừa tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển thuận lợi. Chủ trương này được Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn.

Bức ảnh phía trên được cố nhà báo Triệu Đại chú thích "Bác Hồ điểm binh trước khi ra mặt trận Biên giới. Đây là chiến dịch đặc biệt, Bác Hồ thân chinh ra trận". Từ cuộc điểm binh trang nghiêm mà giản dị năm ấy, 5 năm sau, vào ngày 1/1/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ duyệt binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình, đánh dấu bước trưởng thành về sức mạnh quân sự của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên truyền thông thế giới ghi nhận Việt Nam tổ chức duyệt binh. Bức ảnh dưới được cố nhà báo Triệu Đại chú thích: "Bác Hồ duyệt binh ở Hà Nội năm 1955".

"Bác Hồ gặp gỡ các chiến sĩ xung kích trước khi ra trận - Chiến dịch Biên giới 1950".

"Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Biên giới 1950". Thiếu tướng Cao Pha kể: "Một lần Bác rời Sở chỉ huy Tà Phầy Tử về Sở chỉ huy mới ở Nà Lạng. Anh Văn đề nghị Bác đi bằng xe Jeep, nhưng Bác bảo để Bác đi bộ vừa tự do, vừa gặp bộ đội, dân công cho vui và để động viên. Với bộ quần áo nâu bạc màu, mũ đội sụp xuống dưới trán, chiếc khăn trên vai che chòm râu, Bác chống gậy lên đường, dáng dấp trông rất khỏe mạnh".

"Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Biên giới 1950". Trong suốt thời gian ra mặt trận, Bác Hồ dành nhiều thời gian đi thị sát để cùng các lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch và lãnh đạo địa phương xem xét tình hình, chỉ đạo tác chiến. Mỗi khi Bác cần đi xuống đơn vị nào, khu vực nào để tìm hiểu tình hình, những cán bộ như ông Giong phải chuẩn bị rất bí mật và thật trọn vẹn.

"Phút nghỉ ngơi hiếm hoi và đầm ấm của Bác Hồ và các chiến sĩ xung kích trước giờ ra trận, chiến dịch Biên giới 1950". Bác Hồ ra mặt trận, không những nói lên ý chí quyết chiến quyết thắng cao nhất, tình đoàn kết keo sơn trên dưới một lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nó còn có ý nghĩa khác quan trọng và đẹp đẽ hơn nhiều, đó là biểu tượng của chân dung một con người suốt đời hy sinh cao cả, chỉ biết sống vì nước vì dân, hướng tất cả tâm hồn mình cho hạnh phúc của nhân dân và sự nghiệp cách mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận