Nhiều đất thải được “hồi sinh”
Ngay từ khi dự án được phê duyệt với chiều dài gần 200km xuyên qua vùng địa hình hiểm trở, Ban Quản lý dự án 2, Bộ Xây dựng cùng các địa phương đã xác định một nguyên tắc xuyên suốt: “Không đánh đổi môi trường lấy tiến độ.” Từ đó, mọi hoạt động khảo sát, thiết kế, giải phóng mặt bằng đến thi công đều gắn liền với trách nhiệm sinh thái.
Không ít người từng hoài nghi: liệu có thể vừa xây dựng đường vừa bảo vệ được rừng, suối và đời sống cộng đồng? Nhưng những gì đang diễn ra dọc tuyến đường xuyên Tây Bắc này đang dần khẳng định một điều: điều đó là hoàn toàn có thể - nếu có quyết tâm và những sáng kiến đúng hướng.

Tại các gói thầu thi công tuyến đường kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc luôn đảm bảo môi trường.
Một trong những thách thức đầu tiên của dự án là việc bắt buộc phải chuyển đổi hơn 106ha rừng sang mục đích giao thông. Nhưng thay vì dừng lại ở những con số trồng bù mang tính hình thức, tỉnh Lào Cai đã tiên phong triển khai một giải pháp có chiều sâu: trồng lại rừng trên vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn bằng các loài cây bản địa.
Dổi, lát hoa, trẩu, táu… những giống cây gắn bó với đất rừng Tây Bắc được lựa chọn kỹ lưỡng, không chỉ để khôi phục màu xanh mà còn để nối dài sinh cảnh, duy trì đa dạng sinh học. Kinh phí đã được chuyển đúng hạn đến Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; các đợt trồng rừng bắt đầu từ quý III/2024 và hiện đang trong giai đoạn chăm sóc tích cực.
Tuyến kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai điểm đầu (Km0+000) tại nút giao IC16 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, điểm cuối (Km146+600) tại Km34+800 QL4D, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Chiều dài tuyến khoảng 147km, đường cấp III miền núi. Chủ đầu tư Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Xây dựng) với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
Không ít chuyên gia bảo tồn cho rằng, đây là cách làm “khác biệt” thay vì chỉ khắc phục, sáng kiến này chủ động tái tạo sinh thái một cách có chiến lược.
Không như thường thấy ở các dự án hạ tầng, nơi đất đá đào đắp ngổn ngang và để lại “vết sẹo” dài dằng dặc trên triền núi, tại huyện Văn Bàn (Lào Cai), 18 bãi đổ thải đã được quy hoạch trên đất công, không thu hồi vĩnh viễn và cam kết hoàn thổ sau thi công.
Tại xã Sơn Thủy, nơi từng lo ngại bị bồi lấp ruộng nương, người dân nay đã an tâm khi bãi thải được gia cố bằng bờ kè, có hệ thống rãnh thoát nước, xe ra vào được rửa sạch trước khi ra quốc lộ. Sau dự án, toàn bộ khu vực sẽ được hoàn nguyên để phục vụ sản xuất hoặc làm cơ sở hạ tầng nông thôn.
Ông Lường Văn Thắng, một nông dân ở bản Khe Phàn, xã Sơn Thủy Văn Bàn (Lào Cai) cười bảo: “Trước cứ nghĩ họ làm đường là xong rồi để lại đống đất. Giờ thấy họ vừa làm vừa giữ, lại còn hứa sau trả đất, trả rừng, mình mừng lắm.”
Kết nối bằng trách nhiệm
Trong bức tranh chung của một công trường xây dựng, nơi lán trại công nhân thường bị xem nhẹ thì tại dự án này, mô hình “trại sạch - trại xanh” đã tạo nên một điểm sáng hiếm có. Hệ thống nhà ở có nước sạch, nhà vệ sinh 2 ngăn, khu giặt giũ riêng, xử lý nước thải sơ bộ tất cả đều được giám sát định kỳ.
Tại gói thầu XL-02, chính một nhóm công nhân trẻ đã đưa ra sáng kiến làm bể lọc nhỏ gắn vào bồn rửa tay, tận dụng nước tưới cây và dập bụi công trường. Sáng kiến ấy ban đầu chỉ đơn giản, nhưng hiệu quả đến mức Ban quản lý yêu cầu nhân rộng ra toàn tuyến.
Không khí trong lành hơn, môi trường sống tốt hơn chính là nền tảng để đảm bảo an toàn sức khỏe và tinh thần cho hàng trăm công nhân đang ngày đêm bám đường.

Không chỉ gói gọn trong hàng rào công trường, bảo vệ môi trường của dự án còn gắn liền với cộng đồng địa phương.
Kỹ sư Nguyễn Đức Trung, Chỉ huy mũi thi công (nhà thầu Công ty CP Đầu tư Xây dựng giao thông Phương Thành) cho biết: "Chúng tôi được bàn giao mặt bằng chậm hơn những gói khác nên đang phải tăng cường 5 mũi thi công liên tục bù tiến độ. Không chỉ gói gọn trong hàng rào công trường, bảo vệ môi trường của dự án còn gắn liền với cộng đồng địa phương. Hàng tuần, tổ công tác giải quyết khiếu nại lại trực tiếp đến từng bản làng, lắng nghe và xử lý những phản ánh của người dân từ chuyện nứt nhà, ngập ruộng đến đề nghị làm thêm cống thoát nước hay vuốt nối đường vào nương".
Theo thống kê đến tháng 4/2025, chỉ có 20 đơn khiếu nại được tiếp nhận trên toàn tuyến và hầu hết đều đã được giải quyết. Người dân không còn e dè, mà chủ động đồng hành cùng dự án điều vốn là thách thức lớn trong các công trình miền núi.
Cùng lúc, các buổi truyền thông cộng đồng về môi trường, bình đẳng giới, chống buôn bán người cũng được tổ chức đều đặn, đặc biệt thu hút sự tham gia của phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số.
Ông Vũ Khanh, đại diện Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Xây dựng), thông tin: "Dự án giao thông kết nối Yên Bái - Lào Cai - Lai Châu đang ngày một rõ hình hài. Nhưng bên cạnh nền đường, lớp bê tông hay những cây cầu mới dựng, thứ được “xây” vững chắc hơn cả chính là ý thức bảo vệ môi trường từ lãnh đạo dự án, kỹ sư giám sát, công nhân hiện trường cho tới người dân bản địa".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận