Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Thời sự

Phê duyệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Thời sự

Phê duyệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

15/04/2025, 07:26

Đề án đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng.

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án).

Phê duyệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Mở rộng không gian phát triển đơn vị hành chính mới

Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg, Đề án nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sắp xếp. Trong đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ngoài các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật, cần cân nhắc thấu đáo các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí, điều kiện địa lý; quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Đề án đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị hành chính có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của đơn vị hành chính sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Ưu tiên bố trí các khu thương mại tự do, khu, cụm công nghiệp, đô thị, cảng biển, logistics, hồ chứa nước, đập thủy điện… trong phạm vi 1 đơn vị hành chính cấp xã để thuận lợi trong quản lý nhà nước.

Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã thành các đơn vị hành chính cấp xã mới, bảo đảm tinh gọn, giảm cấp trung gian; xây dựng và củng cố chính quyền địa phương cấp xã vững mạnh, gần dân, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố

Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập gồm: TP Hà Nội, TP Huế, các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.

Còn lại 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất, thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Trong đó có 19 tỉnh gồm: Tuyên Quang (hợp nhất Tuyên Quang và Hà Giang); Lào Cai (hợp nhất tỉnh Lào Cai và Yên Bái); Thái Nguyên (hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên); Phú Thọ (hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình); Bắc Ninh (hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang); Hưng Yên (hợp nhất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình); Ninh Bình (hợp nhất tỉnh Hà Nam và Ninh Bình và Nam Định); Quảng Trị (hợp nhất tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị); Quảng Ngãi (hợp nhất tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi); Gia Lai (hợp nhất tỉnh Gia Lai và Bình Định); Khánh Hòa (hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa); Lâm Đồng (hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận; Đắk Lắk (hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên); Đồng Nai (hợp nhất tỉnh Đồng Nai và Bình Phước); Tây Ninh (hợp nhất tỉnh Tây Ninh và Long An); Vĩnh Long (hợp nhất tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh); Đồng Tháp (hợp nhất tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp); Cà Mau (hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau); An Giang (hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang).

Bên cạnh đó là 4 thành phố gồm: Hải Phòng (hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng); TP Đà Nẵng (hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng); TP.HCM (hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM), TP Cần Thơ (hợp nhất TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang).

Theo Đề án, phương án tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp như sau: Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp xã gồm xã, phường (trong đất liền) và đặc khu (ở hải đảo). Theo đó, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện và thị trấn.

Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh cơ bản giữ nguyên như chính quyền địa phương cấp tỉnh như hiện nay.

Chính quyền địa phương cấp xã gồm có HĐND và UBND. HĐND cấp xã thành lập 02 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.