Doanh thu tỉ lệ nghịch với chất lượng
Theo thống kê của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), bộ phim hoạt hình Việt "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu" ghi nhận doanh thu hơn 3,1 tỷ đồng sau 14 ngày ra rạp (tính đến sáng 5/7).
Trước "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu", bộ phim hoạt hình "Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội" cũng được trình làng từ ngày 30/5. Song đến nay, doanh thu phim mới vượt con số 21 tỷ đồng.

"Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu" ghi nhận doanh thu hơn 3,1 tỷ đồng sau 2 tuần ra rạp.
Đây là con số khiêm tốn và tiếc nuối với những tác phẩm được đánh giá là một trong những phim hoạt hình tốt nhất của Việt Nam.
Từ những suất chiếu sớm, hai tác phẩm nhận nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn và khán giả.
Điểm sáng nổi bật của cả hai phim là nỗ lực của ê kíp 100% Việt Nam trong việc xây dựng một thế giới hoạt hình 3D chỉn chu.
Với đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, những khung cảnh, nhân vật được tái hiện một cách tỉ mỉ, sống động mang đến cảm giác vừa gần gũi, vừa thú vị.
Đơn cử như cảnh cây đa, giếng nước, sân đình... hay trang phục áo tứ thân, váy đụp, khăn xếp... xuất hiện trong "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu" đóng vai trò như một nhân tố kể chuyện, khơi gợi cảm xúc và ký ức của nhiều thế hệ khán giả.
Ngoài ra, các yếu tố thiên nhiên trong phim được thể hiện không chỉ bằng hình ảnh đẹp mà còn thông qua việc sử dụng ánh sáng và màu sắc một cách tinh tế.

"Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội" do đạo diễn Mai Phương cầm trịch. Phim được thực hiện phim trong 3 năm, với 200 nhân sự. Phim phóng tác từ truyện kinh điển của nhà văn Tô Hoài - "Dế Mèn phiêu lưu ký"
Phần âm nhạc trong hai tác phẩm góp phần tạo cảm xúc, chiều sâu cho phim. Thậm chí, "Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội" còn "bắt trend" nhạc rap qua lời của Tổng Cóc lấy ý từ câu thơ dân gian "Con cóc là cậu ông trời/ Hễ ai đánh nó là trời đánh cho".
Một ca khúc khác do nhóm Nhện Nước hát được lấy cảm hứng từ ý thơ Hàn Mặc Tử.
Không kém cạnh, nhạc phim "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu" được đạo diễn Trịnh Lâm Tùng ấp ủ, thực hiện trong 5 năm. Phim được phát triển từ series phim hoạt hình "Trạng Quỳnh thời nhí nhố" ăn khách trên nền tảng YouTube.
Phần âm nhạc cũng được phối khí tinh tế, vừa giữ được hồn dân tộc, vừa khoác lên tấm áo mới của thời đại gen Z.
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng còn tự tay chắp bút bản rap trên nền bài đồng dao "Dung Dăng Dung Dẻ", kết hợp cùng hai làn điệu dân ca Bắc Bộ quen thuộc "Lý Cây Đa" và "Đi Cấy", tạo nên một bản mash-up đầy cảm xúc.
Lời rap mang sắc thái dí dỏm, bắt vần tinh nghịch, đan xen tiếng lóng Anh – Việt, thổi làn gió trẻ trung vào chất liệu truyền thống.
Ông Vi Kiến Thành - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam thậm chí còn khẳng định "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu" là phim hoạt hình dài đầu tiên của Việt Nam chỉn chu về mặt chất lượng và nghệ thuật.
Trailer phim "Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội".
Giấc mơ trăm tỷ còn xa?
Theo nhà nghiên cứu điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn (Viện Văn hoá, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam), có 3 lý do khiến "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu" dù được giới chuyên môn khen ngợi nhưng doanh thu thấp là: thị trường, chất lượng bộ phim, bối cảnh chung trong nước và quốc tế.
Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam vẫn là thị trường béo bở của dòng phim hoạt hình, là sân chơi độc quyền của các đơn vị quốc tế.
Nhiều phim hoạt hình ngoại nằm trong top 10 phim có doanh thu cao nhất tại Việt Nam như: "Doraemon và Bản giao hưởng địa cầu" (hơn 147,4 tỷ đồng), "Doraemon Movie 44: Nobita và cuộc phiêu lưu vào thế giới trong tranh" (hơn 167,3 tỷ đồng), "Kung Fu Panda 4" (136,4 tỷ đồng), "Despicable me 4" (hơn 140 tỷ đồng)...
Anh Tuấn cho rằng, thị trường điện ảnh toàn cầu nói riêng và nên kinh tế nói chung đang trong giai đoạn suy thoái, so với trước dịch Covid-19.
Sức mua với thị trường phim ảnh giảm đáng kể.
Đơn cử, siêu anh hùng từng là dòng phim hốt bạc của thế giới, nhiều bom tấn của hãng Marvel dễ dàng cán mốc doanh thu 1 tỷ USD/phần, các phim ra mắt từ 2017-2020 lọt top phim ăn khách nhất mọi thời đại.
Nhưng những phim siêu anh hùng ra mắt trong giai đoạn 2022-2024 như "Black Widow", "Shang-Chi", "Eternals"… đều không đạt doanh thu kỳ vọng.
Điển hình như "The marvels" tổng doanh thu toàn cầu chỉ đạt 110 triệu USD (hơn 2.879 tỷ đồng), trong khi chi phí sản xuất và quảng bá lên tới 320 triệu USD (hơn 8.377 tỷ đồng). Đây được xem là một trong những phim có doanh thu thấp nhất trong lịch sử MCU.
Bên cạnh đó, xu thế điện ảnh Việt hiện nay vẫn là kinh dị, linh dị. Ví dụ như bộ phim mới ra rạp là "Út Lan: Oán linh giữ của" dù kịch bản thiếu logic, đứt gãy nhưng vẫn thu về hơn 75 tỷ đồng.

Thống kê tỉ lệ các phim ra rạp Việt trong năm 2024. (Ảnh: Nhà nghiên cứu điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn).
Anh Tuấn nhấn mạnh, ở thị trường phim chiếu rạp Việt Nam, nhu cầu với dòng phim hoạt hình đang tăng lên, đặc biệt vào dịp hè khi "khối nghỉ hè" và phụ huynh đang trở thành động lực chính cho sức mua toàn thị trường.
"Theo khảo sát của tôi, trong giai đoạn 2023-2024, phim hoạt hình chiếm 1/5 số lượng phim ngoài rạp. Con số này không thấp hơn các dòng phim ăn khách ở thị trường Việt Nam là hài – tình cảm – gia đình hay hành động – kinh dị", anh Tuấn cho biết.


Một số hình ảnh trong phim "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu".
Đồng quan điểm, chuyên gia truyền thông Hằng Nguyễn bày tỏ sự tiếc nuối khi chiến lược truyền thông của cả hai bộ phim hoạt hình trên chưa đủ để "bật" doanh thu.
Nhất là trong bối cảnh, phòng vé Việt có đến gần 20 đối thủ cạnh tranh đến từ các thương hiệu phim đình đám của nước ngoài như: "Doraemon Movie 44: Nobita và cuộc phiêu lưu vào thế giới trong tranh", "Lilo và Stitch"...
"Đáng tiếc nhất là trường hợp của 'Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu'. Phim ban đầu dự kiến ra rạp ngày 30/5, nhưng ngày 6/5 nhà sản xuất mới tung teaser chính thức.
Trong suốt thời gian đó đến nay, các thông tin về phim khá mờ nhạt trên mạng xã hội. Trong khi đó, đây là kênh truyền thông đang được nhiều nhà phát hành khai thác hiệu quả", bà Hằng cho hay.
Bên cạnh yếu tố thị trường, chiến lược truyền thông, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn cho rằng kịch bản cũng là nguyên nhân khiến phim hoạt hình Việt chưa đủ sức vươn mình.
"Đó là nhược điểm chung của điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh Việt không chỉ yếu ở biên kịch mà còn khâu phối hợp giữa tất cả các bên liên quan như nhà sản xuất, đạo diễn, nhà đầu tư... để có thể biến một kịch bản 5 điểm thành kịch bản 9,10 điểm.
Chỉ xét riêng khâu biên kịch, Trung Quốc đã có cách khai thác kịch bản rất hay qua 2 phần phim "Na Tra". Hàn Quốc từ lâu biên kịch đã là thế mạnh.
Kịch bản do các biên kịch Hàn, Trung sáng tạo nên và đưa vào sản xuất mang đến đủ các cung bậc cảm xúc, tình tiết logic, đầy tính chuyên môn, khơi dậy sự tò mò", anh Tuấn bày tỏ.

"Doraemon Movie 44: Nobita và cuộc phiêu lưu vào thế giới trong tranh" khuấy đảo phòng vé Việt dịp hè 2025.
Trong bối cảnh này, sự xuất hiện của "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu" và "Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội" được đánh giá là cột mốc quan trọng trong ngành sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam.
Nhà nghiên cứu điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: "Việc đưa phim hoạt hình Việt ra rạp trong bối cảnh hiện nay đã là một thành công".
Trước đó, ông Đặng Trần Cường - Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng bày tỏ: "Chúng tôi trân trọng những đóng góp của các đơn vị, các nhà sản xuất đã cho ra đời những sản phẩm "made in Vietnam" chất lượng, góp phần nâng tầm nền điện ảnh và hoạt hình Việt Nam".

Nhà nghiên cứu điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn.
Cũng chính là những bước đi đầu tiên, anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng chúng ta không nên kỳ vọng hoạt hình Việt có phim đạt doanh thu trăm tỷ.
"Nhìn lại giai đoạn những năm 2000 dòng phim hài (hoặc hài nhảm) rất thịnh hành. Nhờ liên tục có phim ra rạp, đội ngũ quảng bá, phát hành được làm việc nhiều, thử sai liên tục, từ đó tìm ra công thức đúng đắn để tạo nên những cột mốc doanh thu.
Từ năm 2010, nhà sản xuất Việt đã làm phim kinh dị. Khoảng 5 năm trở lại đây, sau khi Luật Điện ảnh mới có hiệu lực với sự thông thoáng nhất định (đơn vị kiểm duyệt cởi mở hơn, nhà làm phim bạo tay hơn với những cảnh kinh dị nặng đô) - dòng phim này trở nên bùng nổ hơn.
Cùng với đó, nhiều phim kinh dị nước ngoài được nhập về tạo thói quen và sở thích cho khán giả với dòng phim này. Từ đó, chúng ta có những phim kinh dị doanh thu nâng dần từ mức 30-40 tỷ đồng lên hơn 100 tỷ đồng.
Tôi tin với đà phát triển của thị trường như hiện nay, trong 1-2 năm tới điện ảnh Việt sớm có phim kinh dị vượt xa mốc 100 tỷ đồng như thể loại hài – tình cảm – gia đình với 'Bố già', 'Mai', 'Lật Mặt'…
Tương tự, phim hoạt hình Việt cũng cần có thời gian hoàn thiện, tìm hiểu thị trường trước khi gia nhập câu lạc bộ phim trăm tỷ", anh Tuấn nhận định.
Về mặt chủ trương chính sách, hoạt hình Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục Điện ảnh tạo điều kiện phát triển. Lý do là chúng ta có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, đồ họa lành nghề, những người từ 3-4 năm qua đã gia công sản xuất cho các hãng phim lớn nước ngoài ở hạng mục kỹ xảo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn phân tích: "Nhiều hãng phim lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… đang thuê đội ngũ hậu kỳ của Việt Nam để gia công cho các sản phẩm của họ vì mức giá rẻ mà đem lại chất lượng tương đương.
Với đội ngũ nhân sự kỹ thuật tài năng như thế, tại sao không tạo cơ hội cho họ sản xuất nên những phim hoạt hình nội địa thuần Việt, góp phần kiến tạo nền hoạt hình trong nước với mục tiêu Việt Nam sớm có những studio hoạt hình lớn như Pixar, Disney Animation…
Hơn nữa, hoạt hình Việt Nam có mạng lưới quan hệ quốc tế rất tốt. Vừa qua, chúng ta được Pháp tài trợ 50% chi phí để mở quầy giới thiệu hoạt hình Việt Nam tại Liên hoan phim hoạt hình Annecy. Với tiềm năng thiên thời – địa lợi – nhân hòa, tại sao không gắng sức gây dựng và phát triển nền hoạt hình Việt Nam?", anh Tuấn kỳ vọng
Trailer phim "Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận