Lo ngại chênh lệch vùng sau sáp nhập
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về tình trạng chênh lệch phát triển giữa các khu vực sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, những vấn đề dân sinh thiết thực như thiếu nước sạch, bất cập trong giáo dục, thực phẩm giả…

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại phường Quy Nhơn, tỉnh Gia Lai.
Theo cử tri Đặng Ngọc Vỹ (Khu phố 12, phường Quy Nhơn), tại tỉnh Gia Lai (sáp nhập giữa Bình Định và Gia Lai), khoảng cách phát triển giữa khu vực Gia Lai cũ và Bình Định cũ vẫn còn khá xa, thể hiện rõ khi xây dựng chỉ tiêu mới. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh.
"Làm sao để các chỉ tiêu kinh tế xã hội gần nhau thì ngoài nỗ lực của tỉnh, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ, Quốc hội để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng", cử tri Đặng Ngọc Vỹ kiến nghị.

Cử tri bày tỏ lo ngại về sự chênh lệch trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng sau sáp nhập.
Giải đáp ý kiến của cử tri, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định: Việc nhập tỉnh miền núi với biển sẽ tạo ra thế mạnh của miền núi trung du và thế mạnh của đồng bằng, biển đảo. Do đó, các tỉnh sau sáp nhập có thêm tiềm năng phát triển.
Bên cạnh đó, xây dựng chính quyền hai cấp sẽ tạo ra sự thay đổi về quản lý, đòi hỏi sự chuyên nghiệp hơn, ứng dụng công nghệ thông tin chuyên nghiệp, nhanh và hiệu quả hơn; từ đó tạo ra sự quản lý chặt chẽ, sát với người dân, đáp ứng được điều kiện của nhân dân; thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và bền vững.
"Chính quyền hai cấp sau sắp xếp phải hoạt động chuyên nghiệp hơn, ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn để quản lý hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây là nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Được phân cấp mạnh mẽ, địa phương cần chủ động nguồn lực đầu tư
Theo kiến nghị của cử tri, mặc dù quá trình sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp tại địa phương được vận hành khá trơn tru, có nhiều tích cực nhưng ban đầu đã phát sinh một số vấn đề.
Đó là đường truyền còn yếu; nhiều hộ dân dù ở Phường Quy Nhơn nhưng vẫn thiếu nguồn nước sạch, hiện phải sử dụng nước giếng có chất lượng không tốt, ảnh hưởng sức khỏe; các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm giả, thuốc giả gây ảnh hưởng cuộc sống người dân; đào tạo nghề cho thanh niên sau xuất ngũ; sách giáo khoa có nhiều bộ gây lãng phí và không đồng bộ…

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương về chi ngân sách. Do đó, tỉnh cần chủ động bố trí nguồn lực đầu tư cho công trình thiết yếu như hệ thống nước sạch. Những dự án vượt thẩm quyền, Trung ương sẵn sàng hỗ trợ khi có đề xuất cụ thể.
Đối với bất cập trong sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa, gây lãng phí và thiếu đồng bộ, Phó Thủ tướng đồng tình cần có một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước.
"Ngành giáo dục đã thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông; trình độ đào tạo giữa miền núi, miền xuôi, giữa nông thôn hay đô thị đều như nhau. Do đó, cần làm bộ sách giáo khoa chung cho cả nước, sau đó sẽ in và xuất bản thành sách điện tử, phát miễn phí cho người dân để ai cũng có thể tiếp cận", Phó Thủ tướng nói.
Về tình trạng hàng giả, thuốc giả, thực phẩm giả ảnh hưởng sức khỏe người dân, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đời sống nhân dân.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Kết thúc buổi tiếp xúc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đoàn sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của cử tri; đồng thời yêu cầu phường, tỉnh giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình.
Đối với những vấn đề khác, đoàn sẽ tiếp thu, chuyển đến các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ, Quốc hội và sẽ có văn bản trả lời cử tri.
Trong chuyến công tác tại Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tham dự lễ viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ phường Quy Nhơn Nam nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025); đến thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh, đồng thời thăm, tặng quà những người có công với cách mạng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc và Điều dưỡng Người có công tỉnh Gia Lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận