Tại Nhà Tiền đường, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, triển lãm "Kể - thiết kế trẻ trong lòng di sản" do Khoa Thiết kế mỹ thuật (trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức đã chính thức khai mạc.

Triển lãm hướng tới việc lồng ghép giáo dục nghệ thuật với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong môi trường đào tạo đại học.
64 tác phẩm từ ba ngành đào tạo nghệ thuật đương đại
Triển lãm giới thiệu 64 tác phẩm của 46 sinh viên, gồm: 16 sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, 12 sinh viên ngành Thiết kế Thời trang và 18 sinh viên ngành Điêu khắc.
Các tác phẩm được sáng tác với cảm hứng từ tín ngưỡng dân gian, sinh hoạt đời thường và các yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam, thể hiện qua các chất liệu và hình thức thể hiện mang tính đương đại.
Theo Ban tổ chức, việc đặt triển lãm trong bối cảnh di tích lịch sử nhằm tạo điều kiện để các tác phẩm "đối thoại" với không gian truyền thống, qua đó khơi gợi góc nhìn mới về mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại trong nghệ thuật.
Sự kiện được tổ chức trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Đây là điểm nhấn đáng chú ý, cho phép người xem trải nghiệm sự tương tác giữa nghệ thuật trẻ và không gian di sản.
Bạn Dương Đức Anh, tác giả bộ nhận diện thương hiệu "Bảo tàng Hà Nội" chia sẻ: "Tôi muốn làm một cái gì đấy có giá trị về văn hóa lịch sử của thành phố cũng như của Việt Nam. Quan điểm của tôi là không chỉ giúp làm đẹp mà còn kể một câu chuyện đằng sau, đó là từ một thành phố có bề dày lịch sử đáng tự hào đến 1 đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa sâu sắc".
Hình tượng con cóc làm điểm nhấn thị giác
Hệ thống nhận diện thị giác của triển lãm được thiết kế dựa trên hình tượng con cóc - hình ảnh quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam như truyện "Cóc kiện trời", "Thầy đồ Cóc" hay vở chèo "Nghêu Sò Ốc Hến". Hình tượng này được sử dụng như biểu trưng cho tinh thần sáng tạo, phản ánh tư duy thiết kế mang tính gắn kết giữa di sản và hiện đại.
TS Phạm Thái Bình, Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trưởng ban tổ chức triển lãm cho biết: "Triển lãm không chỉ là nơi giới thiệu tác phẩm của sinh viên, mà còn là cơ hội để nhìn lại di sản văn hóa dưới lăng kính của những người trẻ".
Triển lãm là một trong những hoạt động hướng tới việc lồng ghép giáo dục nghệ thuật với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong môi trường đào tạo đại học. Thông qua các tác phẩm, triển lãm đặt vấn đề về cách người trẻ tiếp cận và sáng tạo trên nền tảng văn hóa bản địa trong bối cảnh nghệ thuật đương đại.
Một số tác phẩm ấn tượng tại triển lãm:

Tác phẩm "Dinh dinh tùng dinh dinh" thể hiện văn hóa "Vinh quy bái tổ" theo góc nhìn của tác giả Nguyễn Thùy Linh. Đây là tục lệ khi người học trò xưa giành được thành tích cao trong các kỳ thi Hương, Hội, Đình được ban áo mũ, võng ngựa về quê hương bái Tổ trước sự chứng kiến của dân làng và họ hàng.

Tác phẩm "Giai điệu" của tác giả Nguyễn Thị Bình, lấy ý tưởng từ những giai điệu và nhịp điệu cũng như quá trình đúc kết và nghiên cứu, tìm tòi để góp phần phát triển ý tưởng thiết kế. Tác phẩm nhấn mạnh hình ảnh trong những nhịp điệu chuyển động trong âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung.

Tác giả Phạm Thị Cẩm Vân gây ấn tượng mạnh tại triển lãm với tác phẩm "Chạm", lấy ý tưởng từ chiếc váy xòe của người Mông cùng những ý tưởng khi phân tích cấu trúc mái gấp trong công trình kiến trúc. Qua đó, thể hiện tinh thần và trên hết là khát khao chinh phục ước mơ của con người.

Tác phẩm "Trích đoạn Đông Dương" của tác giả Dương Đức Duy, được lấy ý tưởng từ nguyên lý chế tác sản phẩm kim khí. Khuôn đóng vai trò quan trọng, làm nên sự khác biệt cũng như thể hiện kỹ thuật đúc đồng phát triển vượt bậc của nền kim khí Đông Sơn. Tác phẩm chính là câu chuyện, nền văn minh được hình thành từ các dòng chảy cũng như các hiện vật kim khí, những mảnh khuôn được tìm thấy bên bờ các dòng sông.

Các tác phẩm thể hiện góc nhìn sáng tạo, đa chiều của sinh viên nghệ thuật về văn hóa, lịch sử.

Các tác phẩm thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách đến tham quan và thưởng lãm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận