(Xây dựng) - Quảng Ninh xây dựng tuyến đường bao biển TP Hạ Long - Cẩm Phả với ý đồ công trình giao thông cảnh quan du lịch, đường 6 làn xe, dài 18,7 km. Trên tuyến có một đường hầm xuyên dãy núi đá vôi dài 235 m, tổng kinh phí đầu tư 2.290 tỷ đồng. Công trình khởi công tháng 9/2019, nhiều người đã biết, nhưng đường hầm xuyên núi chạm vào kho cổ tích ly kỳ thì nhiều người chưa biết.
![]() |
Ông Ngô Hoàng Ngân - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo phương án thi công cửa hầm xuyên núi tại Vũng Bầu phải đảm bảo giữ gìn cảnh quan thiên nhiên khu vực. |
Quy mô con đường ban đầu theo quy hoạch là 4 làn xe, nay nâng lên 6 làn xe. Thay đổi quy hoạch, kiến trúc có phát sinh những khó khăn mới về công tác GPMB, kinh phí đầu tư, tiến độ xây dựng. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là tuyến đường qua dãy núi đá vôi cao và hiểm trở ở khu vực phường Quang Hanh (Cẩm Phả) giáp ranh với phường Hà Phong (Hạ Long), núi đá dựng như tường thành ngăn cách giữa hai địa phương.
Lật lại lịch sử, trước đây khi xây dựng đường QL18 đoạn nối Hạ Long với Cẩm Phả này, người Pháp đã phải xẻ núi đá, hạ dốc Đèo Bụt. Việc phá đá mở đường khi ấy, sức người là chính, đầy rẫy những gian nan còn chạm đến cả vấn đề tâm linh. Một thạch động lớn (caster), cửa hang lộ thiên trên lưng núi, đúng vào tuyến đường đi qua, hang đá ăn sâu xuống lòng đất, xuyên tới đáy biển với nhiều huyền thoại ly kỳ. Dân địa phương truyền tụng, miệng hang dưới đáy biển là lỗ ruốc thần, còn cửa hang lộ thiên trên lưng núi Đèo Bụt là lộ phong (cửa gió). Lộ Phong mà bị vít thì dân làng người Sán Dìu dưới chân núi chó không sủa, mèo không kêu, người thì câm điếc, dịch bệnh, mùa màng thất bát. Nên dù cửa hang giữa lòng đường mà quan lục lộ khi ấy không dám vít lại, phải làm nắp đậy, trên có khoét lỗ thông thủy miệng bằng chiếc niêu đất gọi là rốn cô tiên, nay dân sùng tín còn dựng miếu thờ.
Dãy núi đá vôi giáp ranh Hạ Long và Cẩm Phả, trầm tích văn hóa, danh sơn thủy mạc. Phía bắc đường QL18 có áng Cảnh Tiên đẹp thơ mộng, phía Nam cửa biển mãn nhãn với Hòn Đũa, còn gọi là Hòn Quay. Tích chuyện ông thần tiên xung thiên, ném đôi đũa xuống vịnh Bái Tự Long, chiếc chìm chiếc nổi. Chiếc đũa nổi (Hòn Đũa) hiện dựng đứng trên mặt nước, chiếc chìm là tảng đá ngầm hình thoi dưới đáy biển gần đó.
Đường bờ biển này còn câu hò biển chỉ các địa danh ven bờ “Ngọn đèn núi Hạm nơi đâu, bên kia Đầu Mối bên này Sà Cong, kể chưa xong chuyện bà Thanh Lảnh, ông thần tiên khiển lảnh đã lâu, ao Hanh không tát để sâu mấy trùng. Kìa hòn đá Trồng cao vời vợi, hòn Một nọ đến hòn Hai, đá Bàn dải thảm bên ngoài, bên kia cát Bạc bên này Dọc Thông. Miếu đức Ông là nơi Cửa Suốt, tuần rằm khách trảy hội vãng lai...” Dưới lòng đất thì có hai bể nước nóng lớn nhiệt độ từ 40 - 600C, chúng chứa khoáng chất khác nhau, bể này chứa khoáng chất Crom, bể kia chứa khoáng chất lưu huỳnh. Vùng cửa biển còn có tráng ca về một quân cảng Vũng Bầu ẩn trong vòm núi, nơi nhổ neo rời bến của nhiều chuyến tàu không số chi viện cho chiến trường trong cuộc chiến tranh vệ quốc.
Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả qua đây, nếu xẻ núi mở đường với công nghệ và phương tiện hiện nay thì rất dễ, còn thu lợi hàng vạn m3 đá vật liệu xây dựng. Nhưng Quảng Ninh quyết định đào 235 m đường hầm xuyên núi đoạn Vũng Bầu vì cảnh quan môi trường, hạn chế tới mức thấp nhất tác động xấu đến các giá trị văn hóa cổ đại ở đây.
Trong những ngày tiết xuân Tân Sửu, Quảng Ninh xúc tiến mở đường, cơ quan tư vấn thiết kế điều chỉnh phương án thi công cửa hầm, rà soát các giải pháp thi công tiến vào lòng núi, nhà thầu mở đường dẫn vào cửa hầm với định hướng chung đường hầm xuyên núi trên tuyến đường này phải là công trình xây dựng tiêu biểu, tác phẩm kiến trúc mỹ thuật hài hòa với trầm tích văn hóa nơi đây. Một đường hầm xuyên núi chạm kho cổ tích ly kỳ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận