Mỹ, châu Âu đưa ra đề xuất giải quyết xung đột Ukraine
Hãng tin Reuters cho biết đã tiếp cận được hai tài liệu liên quan đến đề xuất hòa bình cho Ukraine, được trình bày tại cuộc đàm phán giữa quan chức Mỹ, châu Âu và Ukraine diễn ra tại Paris (Pháp) hôm 17/4 và cuộc họp giữa Ukraine, châu Âu tại London (Anh) hôm 23/4.

Một vụ nổ tại thủ đô Kiev, Ukraine, nghi do máy bay không người lái thực hiện (Ảnh: Reuters).
Trong đó, một tài liệu thể hiện nội dung đề xuất của phía Mỹ do ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chuyển tới các quan chức châu Âu tại Paris và sau đó được truyền đạt lại cho phía Ukraine.
Văn bản còn lại thể hiện quan điểm của phía châu Âu cũng như Ukraine, được soạn thảo sau cuộc gặp giữa các quan chức Ukraine và châu Âu tại London và đã được chuyển đến phía Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 24/4 tin rằng tài liệu từ cuộc đàm phán tại London hiện đã nằm trên bàn làm việc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo hãng tin Reuters, những hoạt động ngoại giao trên là nỗ lực lớn nhất của các nước trong giải quyết vấn đề Ukraine. Sự tham gia của Mỹ cũng cho thấy hoạt động ngoại giao con thoi đang diễn ra khi ông Trump tìm cách nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Nhiều bất đồng trong chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình tại Ukraine
Qua xem xét nội dung trong các tài liệu nêu trên, hãng tin Reuters cho biết khác biệt chính giữa Mỹ và châu Âu bao gồm trình tự giải quyết vấn đề lãnh thổ, việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga, bảo đảm an ninh cho Ukraine và quy mô lực lượng vũ trang của nước này.
Về vấn đề lãnh thổ, tài liệu của ông Witkoff kêu gọi Mỹ công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ được Moscow sáp nhập năm 2014, cũng như công nhận trên thực tế quyền kiểm soát của Nga đối với các khu vực miền Nam và miền Đông Ukraine mà lực lượng Nga hiện đang nắm giữ.
Ngược lại, văn bản của phía Ukraine và châu Âu đề xuất hoãn trao đổi chi tiết về vấn đề lãnh thổ cho đến khi đạt được lệnh ngừng bắn, cũng như không đề cập đến việc công nhận bất kỳ vùng lãnh thổ nào đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Về đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine, tài liệu của ông Witkoff đề cập chung chung rằng Ukraine sẽ nhận được bảo đảm an ninh vững chắc từ châu Âu và các quốc gia thân thiện khác, đồng thời nêu rõ Kiev sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, văn bản của phía châu Âu và Ukraine nêu rõ ràng hơn: không có giới hạn nào đối với lực lượng vũ trang Ukraine và không hạn chế đồng minh triển khai quân đội trên lãnh thổ Ukraine. Ngoài ra, tài liệu còn đề xuất tăng cường bảo đảm an ninh mạnh mẽ cho Kiev, yêu cầu Mỹ cũng phải tham gia, theo cơ chế tương tự như Điều 5 của NATO về phòng thủ tập thể.
Về các biện pháp kinh tế, phía Mỹ yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga kể từ năm 2014 như một phần của thỏa thuận hòa bình.
Trong khi đó, phía Ukraine và châu Âu đề xuất cắt giảm dần dần các lệnh trừng phạt sau khi đạt được hòa bình bền vững và có thể tái áp đặt nếu Nga vi phạm thỏa thuận.
Các nước châu Âu cũng đề xuất Ukraine phải được bồi thường thiệt hại xung đột bằng các tài sản của Nga hiện đang bị đóng băng ở nước ngoài. Tuy nhiên, tài liệu của ông Witkoff chỉ nói rằng Ukraine sẽ được bồi thường tài chính, nhưng không nêu rõ nguồn tài chính đến từ đâu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận