Theo đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) yêu cầu các địa phương xây dựng và cập nhật phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện vận chuyển, bảo quản, phân phối hàng khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Đồng thời, huy động doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng, phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo mạng lưới phân phối hoạt động thông suốt.

Một số chợ truyền thống vắng vẻ, tiểu thương nghỉ bán do mưa bão (Ảnh: Hồng Hạnh).
Hiện hệ thống bán lẻ trên địa bàn miền Bắc và Bắc Trung Bộ cũng đã chủ động kích hoạt các phương án ứng phó.
Cụ thể, Saigon Co.op tăng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với ngày thường tại hơn 800 điểm bán, chuẩn bị các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng như nơi trú ẩn, cổng sạc điện, mì gói miễn phí.
MM Mega Market cũng tăng lượng rau củ quả khoảng 1,5 lần và các mặt hàng khô, nước uống, lên khoảng 2,5 lần, đồng thời bố trí lực lượng ứng trực 24/24h.
Central Retail (GO!, Tops…) cam kết duy trì nguồn hàng ổn định và tổ chức các chương trình khuyến mãi hỗ trợ người dân…
Ngược lại, một số chợ truyền thống vắng vẻ, tiểu thương nghỉ bán do mưa bão.
Do đó, để tránh các hành vi trục lợi trong mưa bão, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố và lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trước, trong và sau mùa mưa bão.
Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra thiên tai, các địa phương cần chủ động xử lý các hành vi lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, hoặc tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận