Thông tư 26/2025/TT-BYT vừa ban hành không chỉ bổ sung các trường thông tin bắt buộc trong đơn thuốc mà còn đưa ra quy định cụ thể về liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày, thời gian sử dụng.
Thông tư cũng đặt ra nguyên tắc kê đơn chặt chẽ, tăng cường kiểm soát thuốc kháng sinh, thuốc gây nghiện... tiến tới thực hiện kê đơn điện tử toàn quốc từ năm 2026.

Kê đơn thuốc điện tử được thực hiện tại nhiều bệnh viện.
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, quy định tại Thông tư 26 mới ban hành, tích hợp số định danh cá nhân vào đơn thuốc nhằm đồng bộ hóa dữ liệu y tế với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khi người dân sử dụng số định danh cá nhân, nhiều thông tin hành chính như họ tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ… sẽ được tự động điền từ hệ thống. Điều này giúp giảm thời gian kê đơn, hạn chế sai sót và đơn giản hóa thủ tục cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế.
Đây cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử thống nhất, phục vụ tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe liên tục và quản lý thông tin y tế của người dân.
Ông Vương cho biết thêm, từ năm 2023, theo Luật Khám, chữa bệnh, "sổ khám bệnh" truyền thống được thay thế bằng hồ sơ bệnh án đảm bảo quản lý thông tin y tế một cách đầy đủ, chính xác và xuyên suốt.
Theo đó việc kết nối liên thông giữa hệ thống kê đơn thuốc điện tử và hệ thống Quản lý Dược quốc gia nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng thuốc. Khi tất cả đơn thuốc được cập nhật đồng bộ, cơ quan quản lý có thể phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi lạm dụng thuốc, kê đơn sai quy định hoặc bán thuốc khi không có đơn.

Việc sử dụng mã QR trên đơn thuốc điện tử giúp dễ dàng tra cứu thông tin về loại thuốc, liều dùng, hướng dẫn sử dụng và lịch sử điều trị.
"Đối với người dân, việc sử dụng mã QR trên đơn thuốc điện tử giúp dễ dàng tra cứu thông tin về loại thuốc, liều dùng, hướng dẫn sử dụng và lịch sử điều trị. Đây là một công cụ hữu ích, giúp người bệnh chủ động theo dõi quá trình dùng thuốc của mình, góp phần tăng tính minh bạch và an toàn trong sử dụng thuốc", ông Dương thông tin.
Khi đó, hệ thống kê đơn và bán thuốc sẽ kết nối được với nhau. Người bệnh đi mua thuốc sẽ được kiểm soát theo đơn đã kê trong hệ thống. Những đơn nào được bán đến đâu, những loại thuốc nào bị bán sai so với kê đơn, tất cả đều có thể theo dõi được.
Chia sẻ về việc thực hiện kê đơn thuốc theo Thông tư 26, ThS.BSCKII Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh viện hiện đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nên việc tích hợp, cập nhật Thông tư mới vào phần mềm quản lý được thực hiện ngay. Các chỉ đạo chuyên môn cũng được truyền tải kịp thời tới các khoa phòng. Hệ thống phần mềm quản lý của bệnh viện có chức năng cảnh báo – ví dụ như cảnh báo tương tác thuốc, cảnh báo thuốc dễ nhầm lẫn… giúp bác sĩ chủ động kiểm soát, giảm sai sót trong kê đơn.
"Một điểm nữa là chúng tôi thực hiện bình đơn thuốc hàng tuần. Tức là sau khi bác sĩ kê đơn, bộ phận chuyên môn sẽ rà lại, đánh giá tính hợp lý, phát hiện các bất cập nếu có, như kê trùng thuốc, kê chưa đúng chỉ định, kê thêm thuốc bổ không thực sự cần thiết… Những trường hợp này sẽ được nhắc lại để bác sĩ điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Làm tốt khâu này không chỉ giúp đảm bảo an toàn điều trị mà còn hạn chế được rủi ro không đáng có", ông Sơn thông tin.
Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống đơn thuốc quốc gia giúp việc quản lý đơn thuốc minh bạch. Trong đó, hệ thống quản lý thuốc kê đơn có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc, những dữ liệu này được liên thông, tập trung trên hệ thống quản lý thuốc kê đơn.
Theo thống kê của Hội Tin học y tế Việt Nam, hiện chỉ có khoảng hơn 60% các bệnh viện thực hiện kê đơn điện tử và liên thông đơn thuốc quốc gia.
Với các trạm y tế, tỷ lệ này đạt khoảng 80%; khu vực y tế tư nhân y tế tư nhân (các phòng khám đa khoa, chuyên khoa) có tỷ lệ thấp nhất, khoảng 20% đã thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận