Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Xã hội

Sửa luật để hạn chế hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự

Sửa luật để hạn chế hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự

21/05/2025, 06:41

Theo chuyên gia, cần sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự, giữa pháp nhân và cá nhân, hạn chế tình trạng "hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự".

Ưu tiên thu hồi tài sản vụ án tham nhũng

Theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2025 vừa được Bộ Tư pháp công bố hồ sơ thẩm định, so với Bộ luật Hình sự hiện hành, dự luật lần này có rất nhiều quy định mới.

Sửa luật để hạn chế hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự- Ảnh 1.

Một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với việc xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng là thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt (ảnh minh họa).

Trong đó, nhiều tội danh được đề nghị miễn hình phạt tử hình; hình phạt tù có thời hạn lên đến 30 năm hoặc chung thân không được xét giảm án; bổ sung nhiều tội danh mà người chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự...

Một trong những đề xuất được dư luận quan tâm là việc dự thảo luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình trong luật hiện hành.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, việc bỏ hình phạt tử hình một số tội danh đã được các cơ quan nghiên cứu, tổng kết kỹ lưỡng.

Thực tiễn xét xử thời gian qua, tòa án đã không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội gián điệp và rất ít áp dụng đối với các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ.

Theo ông, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với việc xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng là thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Không áp dụng hình phạt tử hình với các tội này sẽ tạo điều kiện, tăng tính khả thi của việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có.

"Bỏ hình phạt tử hình tại các tội danh trên cũng góp phần bảo đảm tính khả thi trong trường hợp Việt Nam yêu cầu dẫn độ tội phạm liên quan đến tham nhũng khi phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình", ông Hà nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia Đặng Văn Cường (giảng viên Luật hình sự, Khoa Luật và Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủy Lợi) nêu quan điểm, sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 là cần thiết, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu đấu tranh phòng chống tội phạm giai đoạn hiện nay.

"Trong dự thảo có đề xuất thêm một số hình thức xử lý như tù chung thân không giảm án. Đây không phải là những hình phạt mới, không khác biệt với những hình phạt trong hệ thống hình phạt mà luật hiện hành, mà chỉ là hình thức đổi mới những hình phạt đang có", ông Cường nhìn nhận.

Không hình sự hóa quan hệ kinh tế

Theo ông Đỗ Đức Hồng Hà, trong Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân có nhiều nội dung liên quan đến việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị cũng thể hiện bước tiến quan trọng trong tư duy pháp lý, nhất là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Nghị quyết 68 không chỉ là định hướng pháp lý mà còn là thông điệp chính trị rõ ràng: Nhà nước pháp quyền không dùng công cụ hình sự như một biện pháp can thiệp tùy tiện vào kinh tế. Đây là bước đi đúng đắn, kịp thời nhằm thúc đẩy tăng trưởng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời giữ vững kỷ cương pháp luật.

Theo ông Hà, cần sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự, giữa pháp nhân và cá nhân. Điều này nhằm thể hiện tư duy pháp luật hiện đại, hạn chế tình trạng "hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự". Đây là sự tiếp nối và cụ thể hóa các yêu cầu trong cải cách tư pháp. Đồng thời, cần ưu tiên các biện pháp dân sự, hành chính và khắc phục hậu quả trước khi truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này thể hiện sự nhân văn, linh hoạt và có tính phòng ngừa cao, phù hợp thực tiễn xử lý vi phạm trong môi trường kinh doanh.

"Điều này giúp doanh nghiệp, doanh nhân có cơ hội sửa sai, khắc phục hậu quả, tránh bị xử lý hình sự một cách vội vàng, tạo môi trường pháp lý ổn định, hấp dẫn đầu tư", ông Hà đánh giá.

Hành vi nguy hiểm phải được coi là phạm tội

Phân tích thêm về những điểm mới của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2025, chuyên gia Đặng Văn Cường cho biết, dự thảo đưa ra một nội dung rất đáng chú ý. Đó là bổ sung nhiều tội danh có thể xử lý hình sự ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

"Đây là hình sự hóa một số hành vi có tính chất nguy hiểm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội so với các quy định của bộ luật hình sự hiện hành", ông Cường nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, hình sự hóa và phi hình sự hóa là hai vấn đề quan trọng đặt ra khi sửa đổi Bộ luật Hình sự.

Những hành vi nguy hiểm cho xã hội diễn ra phổ biến cần được quy định là tội phạm, nhằm tăng tính răn đe và mang lại hiệu quả cho công tác quản lý xã hội.

Chuyên gia Đỗ Mai Anh (nguyên kiểm sát viên TP Hà Nội) nêu quan điểm, những tội danh thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và giai đoạn chuẩn bị phạm tội với thực hiện tội phạm dễ dàng diễn ra, dễ chứng minh thì cần hình sự hóa.

Điều này nhằm đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cũng như tạo thuận lợi trong việc chứng minh tội phạm.

Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) đối với các tội danh, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; Vận chuyển trái phép chất ma túy; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Gián điệp; Tham ô tài sản và Nhận hối lộ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.