Duy trì ổn định các nguồn cung cấp
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn TP Hà Nội theo thiết kế đạt khoảng 1.696.000m3/ngày/đêm.

Hà Nội tập trung triển khai nâng cấp và xây dựng các dự án phát triển nguồn cung cấp nước sạch.
Trong đó, nguồn cấp từ các nhà máy nước do Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội quản lý với công suất khoảng 600.000m3/ngày/đêm; từ nhà máy nước mặt sông Đà công suất giai đoạn 1 là 300.000m3/ngày/đêm.
Nguồn cấp từ 3 trạm Hà Đông cơ sở 1, cơ sở 2 và trạm Dương Nội do Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông quản lý với công suất khoảng 70.000 - 75.000.000m3/ngày/đêm.
Nguồn cấp từ 2 trạm Sơn Tây 1 và 2 do Công ty CP cấp nước Sơn Tây quản lý với công suất khoảng 27.000 - 30.000m3/ngày/đêm; từ nhà máy nước mặt sông Đuống đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất thiết kế là 300.000m3/ngày/đêm…
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng công suất các nguồn cấp hiện nay được điều tiết, phân bổ ổn định hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân khu vực đô thị (12 quận nội thành) và khu vực nông thôn đã đầu tư hệ thống mạng cấp nước.
Đồng thời dự trữ cho phát triển, mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, dần thay thế nguồn nước ngầm kém chất lượng.
Hạn chế khai thác nguồn nước ngầm
Theo Quyết định số 554 về việc điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt ngày 6/4/2021, Hà Nội sẽ bổ sung một số nhà máy nước mặt bao gồm các nhà máy: Bắc Thăng Long, Ba Vì, Xuân Mai, Hà Nam và nhà máy nội bộ khu vực Phúc Thọ, Minh Quang, Minh Châu, Tiến Thịnh...
Chỉ tiêu đề ra là đến năm 2030 toàn bộ người dân Thủ đô được dùng nước sạch theo quy chuẩn. Trong đó, dân cư đô thị trung tâm được sử dụng 130 - 170 lít/người/ngày; dân cư đô thị vệ tinh dùng 125 - 130 lít/người/ngày; dân cư nông thôn 110 - 115 lít/người/ngày.
Quyết định cũng nêu rõ, điều chỉnh quy hoạch sử dụng nguồn nước cấp cho Thủ đô Hà Nội theo hướng ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm.
Ông Lê Văn Du, Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng cấp, thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trên cơ sở định hướng quy hoạch và kế hoạch số 311 của UBND TP Hà Nội về phát triển nguồn cấp nước sạch giai đoạn 2021 - 2025, hiện các nhà đầu tư đang tập trung triển khai 4 dự án.
Các dự án được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn huy động hợp pháp khác.
Trong đó, Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày/đêm do Công ty CP nước mặt sông Hồng triển khai. Dự án sẽ được vận hành một phần trong năm 2025, hoàn thành toàn bộ năm 2026, bổ sung nguồn cấp cho khu vực các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Đan Phượng…
Nhà máy nước sạch sông Đà giai đoạn II nâng công suất lên 600.000m3/ngày/đêm đang được Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà tập trung thực hiện, nâng công suất nhà máy lên 600.000m3/ngày/đêm trong quý IV/2025.
Dự án nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì lên 300.000m3/ngày/đêm đang được Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2027.
Nhà máy nước Xuân Mai tại Hòa Bình công suất 300.000m3/ngày/đêm do Công ty CP Nước Aqua One làm nhà đầu tư, công suất giai đoạn 1 là 150.000m3/ngày/đêm để bổ sung nguồn nước cho khu vực các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức trong quý IV/2025.

Khu nhà máy xử lý giai đoạn 2 đang được Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà gấp rút triển khai.
Chia sẻ về việc triển khai giai đoạn 2 của Nhà máy nước sạch sông Đà, ông Lưu Viết Thịnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho biết: Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ tuyến đường ống dẫn nước số 2 từ khu nhà máy xử lý đến nút giao Big C trên đường Vành đai 3 Hà Nội (dài khoảng 46km) đã được công ty hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng ổn định từ tháng 12/2023 đến nay.
Phần còn lại của dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn 2 nâng công suất lên 600.000m3/ngày/đêm, gồm: Khu nhà máy xử lý giai đoạn 2 và công trình khai thác nguồn nước thô đang được công ty gấp rút triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý IV/2025.

Nhiều khu vực ngoại thành của Hà Nội, người dân đang mong chờ nguồn nước sạch để sử dụng cho các sinh hoạt hàng ngày.
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết: Trong 30 năm qua (1995-2025), Hà Nội khai thác nước ngầm cho sinh hoạt và sản xuất nhưng thiếu kiểm soát, dẫn đến nguồn nước ngầm cạn kiệt và ô nhiễm, thậm chí nhiễm độc diện rộng.
Vì vậy, việc thay thế nguồn nước ngầm bằng nước mặt cho các nhà máy nước là hợp lý trong thời điểm này.
"Nhưng ngay cả nguồn nước mặt từ sông Hồng, sông Đà, sông Đuống cũng đang đối mặt với nguy cơ suy giảm về khối lượng, chất lượng trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu và nước thải ô nhiễm đổ vào các sông chưa được kiểm soát nghiêm ngặt", ông Ánh nói.
Để đảm bảo nguồn nước sạch bền vững, ông Ánh cho rằng, cần chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước. Trong đó, cần các biện pháp đồng bộ như bảo vệ nguồn nước mặt cả dòng sông bằng cách không cho phép định cư, sản xuất trong hành lang thoát lũ.
Cùng đó, kiểm soát chặt khai thác nước ngầm nhưng cũng đồng thời đẩy nguồn ô nhiễm vào nước ngầm qua các giếng tự phát và từng bước bổ sung nước ngầm, nước mặt bằng các không gian lưu trữ nước mưa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận