
Năm 2015, tháp Bình Sơn được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt nhờ giá trị kiến trúc nghệ thuật và lịch sử văn hóa tiêu biểu. Ảnh: Tường Nhi.
Tháp cổ bong tróc, nhiều dấu hiệu xuống cấp
Vùng đất trung du sông Lô được nhiều người nhắc đến với biểu tượng tháp cổ Bình Sơn - nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật của người xưa. Vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của tháp cổ đã khắc sâu vào tiềm thức, trở thành một phần không thể thiếu trong tâm thức, đời sống văn hóa tinh thần người dân nơi đây.
Theo các nguồn tư liệu, ghi chép và lưu giữ tại địa phương, tháp Bình Sơn được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XIII - XIV và là ngọn tháp bằng đất nung được đánh giá là cao nhất Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay.
Với niên đại hàng trăm năm tuổi, tháp Bình Sơn, còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Tháp chùa Vĩnh Khánh, tháp chùa Then hay tháp Then, là một công trình kiến trúc cổ kính nằm trong khuôn viên của khu vực chùa Then (tên chữ là Vĩnh Khánh Tự), thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Hình tượng rồng được chạm khắc tinh tế thể hiện bàn tay tài hoa của người thợ. Ảnh: Tường Nhi.
Tháp Bình Sơn trước đây có 13 tầng, qua nhiều biến cố của thời gian và các lần tu bổ, tháp Bình Sơn hiện nay còn lại 11 tầng. Toàn bộ tháp được tạo nên từ hàng nghìn viên gạch đất nung, không tráng men. Trong lòng tháp là một khoảng rỗng kéo từ chân tháp lên đến đỉnh.
Đặc biệt, bề mặt tháp được trang trí các họa tiết vô cùng cầu kỳ, tinh xảo với những họa tiết độc đáo như: Hoa cúc dịu dàng, cánh sen thanh khiết, lá đề uyển chuyển, hoa văn tinh tế, rồng chạm nổi uy nghi...
Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một bản giao hưởng lôi cuốn thị giác đầy mê hoặc, khẳng định trí tuệ và tài hoa của những người thợ thủ công xưa đã tạo nên công trình này.

Tháp Bình Sơn xuống cấp do thời gian và môi trường, cần được bảo tồn và phục hồi cấp thiết. Ảnh: Tường Nhi.
Tuy nhiên, trải qua những biến động của lịch sử và tác động khắc nghiệt của thời gian, môi trường khí hậu, nhiều họa tiết, hoa văn trên tháp Bình Sơn đang có dấu hiệu phong hóa, bong tróc, không còn như nguyên trạng, có dấu hiệu xuống cấp.
Qua quan sát, nhiều viên gạch với họa tiết tinh xảo ngày nào nay đã không còn giữ được đường nét hoa văn rõ ràng, sứt mẻ, vỡ nứt... điều này cho thấy sự cấp bách của việc trùng tu di tích cần được đặt ra nhằm ngăn sự xuống cấp của di tích.
Có thể nói, tháp cổ Bình Sơn không chỉ tỏa sáng giá trị lịch sử và nghệ thuật, mà còn là một điểm đến mang đến không gian thanh bình, tĩnh lặng. Nơi đây, thiên nhiên và con người hòa quyện vào nhau, tạo nên một trạng thái tinh thần an yên, khơi gợi những khám phá sâu sắc và nguồn cảm hứng sáng tạo.
Báo cáo thực trạng để đầu tư tu bổ
Tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia đặc biệt này.
Trong đó nêu rõ, quy mô quy hoạch gồm toàn bộ khu vực bảo vệ của di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, với tổng diện tích là 21.815m2.
Cụ thể, khu vực bảo vệ I, diện tích 6.200m2 là khu vực có các yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích, gồm: Tháp Bình Sơn, tạm bảo chùa Vĩnh Khánh (chùa Then), nhà Tổ và giếng Mực. Khu vực bảo vệ II, diện tích 15.615m2: Là vùng bao quanh tiếp giáp khu vực bảo vệ I...
Tháp Bình Sơn - Chùa Vĩnh Khánh là di tích được Nhà nước công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1962. Đến ngày 23/12/2015, tháp Bình Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Di tích quốc gia đặc biệt.
Trong những năm qua, chính quyền và Nhân dân thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của quần thể di tích tháp Bình Sơn và chùa Vĩnh Khánh.
Bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND huyện Sông Lô cùng lúc triển khai các biện pháp cụ thể.
Hiện, UBND huyện Sông Lô đang triển khai lập báo cáo về thực trạng và công tác đầu tư, tu bổ để báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Du khách thăm quan di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn. Ảnh: Tường Nhi.
Ông Trần Văn Khanh, Trưởng phòng Văn hóa khoa học và Thông tin huyện Sông Lô cho biết, việc quy hoạch, bảo tồn và phục hồi di tích tháp Bình Sơn trở thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa hấp dẫn, kết nối các di tích, điểm du lịch lân cận như: Thiền Viện Trúc Lâm Tuệ Đức, Thiền viện trúc lâm Tây Thiên... góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, mở ra cơ hội phát triển du lịch, tạo động lực mới cho kinh tế địa phương.
Có thể tối ưu hóa giá trị du lịch
Dưới góc nhìn phát triển văn hóa du lịch, ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, khai thác giá trị văn hóa truyền thống là hướng đi đầy tiềm năng cho du lịch, bên cạnh những hình thức du lịch, giải trí quen thuộc.
Tuy nhiên, ông Niên lưu ý và nhấn mạnh, việc đầu tư cần sự chọn lọc kỹ lưỡng, dựa trên khảo sát chi tiết từng di tích và cần đặt trong một tổng thể chung của du lịch.

Tháp Bình Sơn nằm cạnh tuyến đường trục chính của thị trấn Tam Sơn với hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, thuận tiện cho việc di chuyển, thăm quan. Ảnh: Tường Nhi.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Phúc đánh giá, việc gìn giữ và tu bổ di tích lịch sử và kiến trúc tháp Bình Sơn là điều đáng mừng, nhưng để tối ưu hóa giá trị và hiệu quả du lịch, cần có một quy hoạch tổng thể, kết nối hài hòa các điểm đến.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Niên, việc gìn giữ và tu bổ di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn là điều đáng mừng, nhưng để tối ưu hóa giá trị du lịch, cần có một quy hoạch tổng thể, kết nối hài hòa các điểm đến.
Có thể kỳ vọng với sự quan tâm và đầu tư kịp thời của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong tương lai không xa, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn sẽ trở thành điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử và tâm linh độc đáo, một địa danh giúp du khách, người dân tìm về "kết nối" lớp lang văn hóa xưa và nay trọn vẹn, ấn tượng.
Qua đó, cũng mở ra tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, mang lại nguồn thu và tạo động lực mới cho kinh tế địa phương. Đây cũng là giải pháp được nhiều địa phương trên cả nước quan tâm và hướng tới nhằm phát huy, khai thác những giá trị di sản của các di tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận