Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Y tế

Thập tử nhất sinh vì nghe “bác sĩ TikTok”

Thập tử nhất sinh vì nghe “bác sĩ TikTok”

10/04/2025, 06:30

Chỉ cần nhập dữ liệu "trị tiểu đường" trên TikTok, sẽ có hàng nghìn kết quả với lời khuyên, chỉ dẫn các bài thuốc điều trị cùng lời hứa trị dứt điểm... Tuy nhiên, nhiều người phải nhập viện, thậm chí thập tử nhất sinh vì sử dụng các sản phẩm này.

Suýt chết vì thuốc gia truyền…

Cách đây ít ngày, các bác sĩ Bệnh viện 19/8 (Bộ Công an) tiếp nhận một nam bệnh nhân N, 67 tuổi (ở Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương cơ tim, suy thận cấp, suy đa tạng sau khi uống thuốc gia truyền (loại thuốc nam dạng viên hoàn tán) mua trên TikTok, được quảng cáo chữa tiểu đường.

Thập tử nhất sinh vì nghe  “bác sĩ TikTok”- Ảnh 1.

Các bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân nguy kịch do dùng thuốc mua trên TikTok.

Người nhà cho hay, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường nhiều năm. Cách đây khoảng 3 tháng, theo dõi TikTok, ông đã mua thuốc trị tiểu đường được quảng cáo "thuốc gia truyền, trị dứt điểm bệnh".

Mỗi ngày ông N uống 4 viên, nếu đường huyết lên thì uống 6 viên. Trong quá trình dùng loại thuốc này, ông xuất hiện tình trạng huyết áp tăng cao, nhịp tim thấp. Đi khám nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, ông về nhà tiếp tục uống thuốc đến khi phải đi cấp cứu.

Nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc, bác sĩ lấy mẫu viên thuốc gửi tới Viện Pháp y Quốc gia để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, loại thuốc này dương tính với độc chất Phenformin.

BS Chu Đức Thành, Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 198 cho biết: "Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ. Thuốc có độc tính rất cao, gây biến chứng nhiễm acid máu, suy cơ quan, gây tử vong cho nhiều người, thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ hơn 50 năm trước".

May mắn thoát khỏi cửa tử và dần hồi phục sau điều trị tích cực, ông N cho hay đã mua thuốc tiểu đường "viên hoàn tán T" theo quảng cáo trên TikTok của một thầy lang ở An Giang.

Nhan nhản "bác sĩ online"

Tương tự, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) vừa cứu sống nam bệnh nhân 59 tuổi sử dụng thuốc tễ điều trị đái tháo đường đặt mua qua TikTok sau khi nghe lời giới thiệu "thuốc gia truyền, chữa dứt điểm". Người đàn ông này được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, lay gọi không tỉnh, vật vã, suy hô hấp, tụt huyết áp.

Tại bệnh viện, các xét nghiệm khẩn cấp phát hiện bệnh nhân có tình trạng nhiễm acid máu rất nặng, tổn thương thận nặng nên được chỉ định đặt nội khí quản, lọc máu liên tục. Kết quả kiểm nghiệm túi thuốc tễ cho thấy có chứa hoạt chất phenformin, vốn bị cấm từ lâu.

Theo BS Thành, đái tháo đường là bệnh lý mạn tính phổ biến, chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, kết hợp với việc dùng thuốc và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa biến chứng.

Tuy nhiên, một số người bệnh không tuân thủ điều trị. Nhiều người thường tìm đến những phương thuốc được quảng cáo là "hữu hiệu", "gia truyền", "chữa dứt điểm", "không cần ăn kiêng" từ những "bác sĩ online, Tiktok", dẫn đến hậu quả nặng nề.

Là đơn vị tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do người bệnh tự ý mua các loại thuốc điều trị bệnh, giảm cân... trên mạng, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai dẫn chứng về ca bệnh nguy kịch do sử dụng thuốc giảm cân mua trên TikTok.

Sau 1 tháng sử dụng, nữ bệnh nhân 21 tuổi (Hà Nội) rơi vào trạng thái hôn mê, gia đình phải đưa đi cấp cứu. Xét nghiệm mẫu thuốc bệnh nhân sử dụng cho thấy dương tính với Sibutramine, một hoạt chất từng được sử dụng điều trị béo phì nhưng đã bị cấm ở nhiều quốc gia do nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch.

Đáng nói, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhan nhản "bác sĩ" phán bệnh, chỉ dẫn và giới thiệu bán thuốc có tới hàng nghìn người theo dõi.

Cảnh giác với những lời quảng cáo

Trước những hệ lụy từ "bác sĩ TikTok" mang lại, BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo về các nguy cơ khi tự chữa bệnh qua mạng như: Ngộ độc thuốc, tác dụng phụ nguy hiểm. Bởi việc tự mua thuốc theo lời khuyên trên mạng mà không hiểu rõ liều lượng có thể gây suy gan, suy thận, biến chứng nguy hiểm.

Đồng thời, việc này gây chậm trễ điều trị chuyên khoa vì việc điều trị sai cách có thể khiến bệnh trở nặng, đặc biệt với ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch. Hơn nữa, với những thông tin từ các "bác sĩ TikTok" còn gây ảnh hưởng tâm lý, khiến nhiều người lo lắng quá mức khi đọc thông tin sai lệch, tự nhận mình mắc bệnh nặng.

Còn theo TS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên các nền tảng xã hội, nhiều "bác sĩ" tự xưng đã giới thiệu sản phẩm với cam kết "chữa bách bệnh", "hiệu quả tức thì", khiến nhiều người tin tưởng mua dùng, nhưng kết quả không như mong đợi, thậm chí gây hại sức khỏe.

Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ dinh dưỡng, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Những cụm từ như "giúp khỏi bệnh hoàn toàn", "tác dụng nhanh chỉ sau vài ngày", "bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên" đều là dấu hiệu thổi phồng.

BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, hiện nay các bệnh viện, hiệp hội đều có website, thậm chí có ứng dụng để tư vấn sức khỏe với những thông tin rõ ràng, dễ hiểu, đã được khoa học chứng minh. Vì vậy, thay vì nghe theo những tư vấn còn chưa rõ đúng sai, thật giả thì người dân nên tham khảo những thông tin trên nền tảng chính thống.

Khi cần mua bất cứ sản phẩm nào, người tiêu dùng cần chọn những sản phẩm có chứng nhận lưu hành chính thức, hóa đơn chứng từ rõ ràng. Không nên mua thuốc qua mạng hay từ các nguồn không xác định. Khi có vấn đề sức khỏe, nên tham khảo ý kiến bác sĩ thay vì tự ý chữa bệnh theo các nguồn tin trên mạng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.