Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Thị trường

Thẻ vé điện tử: Giải pháp thúc đẩy giao thông thông minh

Thẻ vé điện tử: Giải pháp thúc đẩy giao thông thông minh

09/04/2025, 17:14

Với sự phát triển của giao thông thông minh, vé điện tử không chỉ giúp hành khách tiết kiệm thời gian, giảm thiểu bất tiện, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp vận hành và nền kinh tế.

Rườm rà thanh toán theo phương thức truyền thống

Nhà ở Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), công tác tại một văn phòng gần trường Đại học Giao thông vận tải, chị Nguyễn Thùy Linh, 38 tuổi, lựa chọn mua vé tháng di chuyển bằng xe bus của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) để đi làm. Sau khi đăng ký, nộp 100.000 đồng, chị Linh được phát một chiếc thẻ đeo để nhà xe kiểm soát mỗi lúc lên xe. Đều đặn vào cuối tháng, chị Linh phải đến quầy giao dịch để nộp tiền, dán tem sử dụng tháng tiếp theo.

Thẻ vé điện tử: Giải pháp thúc đẩy giao thông thông minh- Ảnh 1.

Thẻ thanh toán giao thông tiện dụng hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống.

Tương tự như vậy, vì nhà xa, anh Nguyễn Văn Hùng ở Nhổn, quận Bắc Từ Liêm, thường đi xe bus đến chỗ làm trên đường Kim Mã. Sau khi xuống bến tại đối diện cổng trường Đại học Giao thông vận tải, anh Hùng phải đi bộ thêm gần 1km tới chỗ làm. Theo anh Hùng, vé tháng anh mua là tuyến cố định, nên nếu muốn đến gần chỗ làm phải mua thêm tuyến khác, hoặc trả tiền mặt trực tiếp cho soát vé mỗi lần chuyển xe. Thủ tục rườm rà và tốn kém thêm chi phí nên hàng ngày anh "cuốc" bộ thêm một đoạn đường.

Còn tại TP.HCM, chị Phương Thanh (quận Phú Nhuận) – người thường xuyên di chuyển bằng metro 01 Hồ Chí Minh bày tỏ: "Từ ngày có Metro, gia đình tôi đi làm hay đi học đều rất nhanh và tiện lợi. Tuy nhiên, sử dụng tiền mặt cũng không tiện, và vừa phải xếp hàng mua vé tại quầy hoặc mua vé qua app với nhiều bước thao tác xong lại tiếp tục xếp hàng quét vé ở cổng soát vé cũng khá mất thời gian. Nếu có phương thức nào rút gọn được các bước đó thì người dân sử dụng sẽ tiện hơn".

Trên đây là những trường hợp hành khách sử dụng xe bus giao dịch thanh toán theo phương thức truyền thống. Hành khách thường phải đến tận quầy vé, xếp hàng, điền giấy tờ, rất mất thời gian.

Việt Nam đang từng bước hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng bằng việc ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử. Với sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp không dùng tiền mặt, việc sử dụng thẻ vé điện tử không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn tối ưu hóa vận hành và minh bạch hóa tài chính trong lĩnh vực giao thông công cộng.

Bước đi bắt kịp nhu cầu

Theo thống kê của Transerco, 9 tháng đầu năm 2024, công ty phục vụ hơn 170 triệu lượt khách, con số cho thấy xu hướng người dân ngày càng sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn. Gần đây, đơn vị này đã ra mắt dịch vụ tem vé tháng trên trang web, cho phép khách hàng có thể đăng ký trực tuyến và lựa chọn nhận vé tại nhà sau vài ngày thay cho việc phải đến quầy xếp hàng mua vé. Mặc dù vậy, đây chưa phải là giải pháp căn cơ khi người dân vẫn phải mất công đoạn đăng ký và phải chờ đợi để nhận vé.

Thẻ vé điện tử: Giải pháp thúc đẩy giao thông thông minh- Ảnh 2.

Xu hướng người dân ngày càng sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.

Đầu tháng 3, UBND TP.HCM đã tổ chức khánh thành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sau hơn 2 tháng vận hành thương mại, bắt đầu từ tháng 12/2024. Để đơn giản hóa thủ tục, hướng tới giao thông thông minh, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 áp dụng nhiều giải pháp cho việc thanh toán.

Với trường hợp mua vé tại quầy, khách hàng cần xếp hàng mua vé lượt bằng thẻ hoặc tiền mặt và nhận phiếu dạng QR để quét tại cổng soát vé. Tuy nhiên, với phương thức thanh toán trực tiếp bằng cách chạm thẻ Ngân hàng (thẻ không tiếp xúc) trên thiết bị đầu đọc thẻ tại các cổng soát vé vào ra, người dân không cần xếp hàng mua vé lượt mà có thể dùng thẻ NAPAS (hay còn quen gọi là thẻ ATM, thẻ nội địa) của 25 ngân hàng trong hệ thống NAPAS để sử dụng thay cho vé lượt.

Tại Hội thảo với chủ đề "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông" do báo Giao thông và Tạp chí điện tử Viettimes tổ chức vào cuối tháng 9/2024, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Thanh toán, NAPAS cho biết, các quốc gia trên thế giới đa phần đã chuyển sang thu phí giao thông theo cơ chế liên thông account - based/open-loop, sử dụng thẻ ngân hàng hoặc thẻ thanh toán giao thông.

Cơ chế này là sử dụng một tài khoản thay vì trước đây sử dụng thẻ, số dư tài khoản sẽ được lưu trên một máy chủ, thẻ/điện thoại chỉ là vật định danh, liên kết với một tài khoản đặt ở đằng sau. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với thẻ thông thường khi có thể thanh toán ngân hàng hoặc thẻ thanh toán khác áp dụng cho dịch vụ giao thông công cộng. Do đó, người dân không cần phải sở hữu nhiều thẻ thanh toán giao thông khác nhau mà có thể thanh toán bằng nhiều loại thẻ (thẻ nội địa NAPAS, thẻ quốc tế như Mastercard, Visa, JCB) và nhiều phương thức thanh toán hiện đại như ví điện tử, thẻ số hóa trên các thiết bị thông minh, mã QR ứng dụng quản lý thẻ vé giao thông công cộng.

Đối với cơ quan quản lý và đơn vị vận hành như, cơ chế này cũng giúp tối ưu hóa quy trình thu phí, giảm chi phí vận hành và nâng cao tính minh bạch trong hệ thống. Từ đó giảm thiểu chi phí liên quan đến việc phát hành và quản lý thẻ vé, đồng thời tạo ra sự linh hoạt cho người dùng khi tham gia giao thông công cộng. Mặt khác, với hệ thống account - based, chỉ cần thay đổi một tham số và bấm "enter" là toàn bộ cơ chế phí mới sẽ được ứng dụng với tất cả giao dịch.

Tại một hội nghị vào cuối tháng 3, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông Công chánh TP Hồ Chí Minh cho biết, tuyến metro số 1 vận chuyển trung bình 50.000 lượt hành khách/ngày, hơn gấp đôi hai tuyến metro đang hoạt động tại Hà Nội. Ngày cao điểm dịp tết Nguyên đán thường có khoảng 120 nghìn lượt khách đi lại.

Đưa thẻ giao thông tới gần hơn người dân

Là đơn vị trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam - NAPAS đang đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hệ thống giao thông công cộng với hệ thống tài chính - ngân hàng.

Thẻ vé điện tử: Giải pháp thúc đẩy giao thông thông minh- Ảnh 3.

Thẻ vé điện tử là giải pháp thúc đẩy giao thông thông minh (Ảnh minh họa).

Với hơn 65 triệu thẻ không tiếp xúc, NAPAS giúp đơn giản hóa quá trình triển khai thanh toán điện tử trong giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xã hội không dùng tiền mặt.

NAPAS không chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ mà còn hợp tác chặt chẽ với các đơn vị vận hành giao thông, ngân hàng và cơ quan quản lý để mở rộng thanh toán không tiếp xúc trên toàn quốc. Việc triển khai rộng rãi thẻ vé ngân hàng thay cho vé lượt không chỉ giúp giao thông công cộng tại Việt Nam hiện đại hơn mà còn góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Thẻ vé điện tử nói chung hay thẻ vé ngân hàng nói riêng là giải pháp tất yếu giúp giao thông công cộng tại Việt Nam trở nên hiện đại, tiện lợi và hiệu quả hơn. Việc đẩy mạnh ứng dụng thanh toán điện tử không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân mà còn góp phần xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy đô thị thông minh và nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng.

Với vai trò của các tổ chức như NAPAS, triển vọng về một hệ thống giao thông thông minh, kết nối toàn diện và không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang dần trở thành hiện thực.

Ở góc độ kinh tế - xã hội, mô hình thanh toán giao thông mở cũng góp phần giảm bớt chi phí vận hành của các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng. Thay vì phải phát triển và duy trì hệ thống phát hành thẻ vé riêng, các hệ thống phụ trợ để xử lý việc nạp/rút tiền, các đơn vị này có thể tận dụng ngay thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán cho các dịch vụ giao thông công cộng.

Áp dụng thẻ vé điện tử giúp minh bạch tài chính, hạn chế thất thoát doanh thu trong lĩnh vực giao thông công cộng, đồng thời hỗ trợ quy hoạch đô thị thông minh nhờ dữ liệu giao thông theo thời gian thực.

Hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt còn góp phần giảm ùn tắc tại các trạm soát vé, tối ưu hóa thời gian di chuyển và giảm lượng khí thải nhờ hạn chế thời gian dừng đỗ. Đây cũng là bước đi quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và xây dựng nền kinh tế số.

Những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng thanh toán điện tử vào giao thông công cộng. Các hệ thống xe buýt của Transerco, xe buýt điện VinBus đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa đi vào hoạt động cuối năm 2024 đã góp phần khẳng định những bước đi bắt kịp xu hướng thanh toán số góp hình thành hệ sinh thái giao thông xanh và hoàn thiện bức tranh về thành phố thông minh, hiện đại.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.