Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Thị trường

Thị trường sơn xây dựng: Vàng thau lẫn lộn

Thị trường sơn xây dựng: Vàng thau lẫn lộn

04/07/2025, 14:35

Thị trường sơn hiện bùng nổ với các loại sơn, keo, hợp chất chống thấm, sơn PU đủ màu sắc, đa dạng tên gọi, ngập quảng cáo. Thế nhưng, đằng sau những lời có cánh là không ít câu chuyện dở khóc dở cười vì chất lượng thật sự từ sơn.

"Ma trận" sơn, keo chống thấm

Chị Lê Hồng Nhung (Hoàng Mai, Hà Nội) kể lại cảm giác "đắng ngắt" trong lần đầu tiên đón cơn mưa lớn trong căn nhà mới xây chưa đầy 6 tháng. "Chỗ nào cũng dán nhãn keo chống thấm nhập khẩu, sơn PU 1 hoặc 2 thành phần 'chuyên dụng cho mái và tường nhà'. Vậy mà mưa một buổi là nước ngấm mái và loang tường, bong tróc cả lớp sơn lót", chị bức xúc.

Theo lời chị, toàn bộ vật liệu đều do đơn vị thi công mua trọn gói, giá cả không hề rẻ. Nhưng chỉ sau một mùa mưa, bức tường đẹp như mơ bỗng trở thành bức tranh lem nhem. Thậm chí người bạn chị sống trong căn hộ tầng áp mái của chung cư cao cấp được xây dựng bởi chủ đầu tư uy tín cũng không tránh khỏi thấm dột sau vài năm về ở.

Thị trường sơn xây dựng: Vàng thau lẫn lộn- Ảnh 1.

Chuyên gia khuyến cáo để đảm bảo chất lượng công trình người sử dụng nên lựa chọn các thương hiệu có uy tín và các sản phẩm chất lượng đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế.

Không riêng chị Nhung, nhiều người tiêu dùng hiện nay đang phải "học cách sống chung với thấm dột" dù bỏ ra không ít chi phí cho vật liệu xây dựng được cho là "cao cấp".

Điều đáng nói là người tiêu dùng gần như mù mờ trước "ma trận" sơn, keo chống thấm trên thị trường. Một vật liệu, nhưng có thể mang hàng chục, thậm chí hàng trăm nhãn hiệu khác nhau, với mức giá chênh lệch từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/thùng.

Ông Nguyễn Văn Lực – kỹ sư vật liệu và giám đốc một công ty tư vấn xây dựng tại TP.HCM – cho biết: "Hiện nay, phần lớn người dân và cả chủ đầu tư nhỏ đều dựa vào quảng cáo hoặc lời giới thiệu từ thợ, đại lý vật liệu. Họ ít ai có khả năng đánh giá đúng chất lượng sơn, keo, hợp chất hay lớp phủ PU đang sử dụng là gì, đạt chuẩn hay không".

Sự nhập nhèm giữa hàng chính hãng và hàng pha trộn, hàng nhái cũng khiến thị trường vật liệu trở nên hỗn loạn. Đặc biệt là các hãng không có nhà xưởng - nhà máy nằm trong vùng quy hoạch như cụm công nghiệp, khu công nghiệp… được phép hoạt động sản xuất sơn.

Hoặc không có giấy phép sản xuất, giấy phép bảo vệ môi trường, chứng nhận nghiệm thu an toàn PCCC... Trong khi sơn (keo hoặc vật liệu dạng phủ bề mặt) là loại hóa chất mà Pháp luật yêu cầu bắt buộc nhà sản xuất phải có giấy phép bảo vệ môi trường và an toàn PCCC.

"Nhiều loại sơn chống thấm chỉ có một thành phần dễ bị thủy phân hoặc pha loãng hàm lượng keo kết dính… thậm chí chứa dung môi độc hại với hàm lượng rất cao. Người dùng đâu biết, chỉ đến khi hỏng mới phát hiện", ông Lực nói thêm.

Thị trường sơn xây dựng: Vàng thau lẫn lộn- Ảnh 2.

Cần siết chặt đầu vào từ kiểm định tại nhà máy, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đến việc áp dụng các tiêu chuẩn bắt buộc với sản phẩm dùng trong công trình công cộng, nhà ở dân dụng.

Khi vật liệu giả phá nát công trình thật

Chuyên gia xây dựng Lê Minh Tuấn – nguyên giám sát kỹ thuật nhiều công trình lớn tại Hà Nội – cảnh báo: "Sơn phủ hay keo chống thấm, lớp PU bảo vệ bề mặt tuy chỉ chiếm phần nhỏ khoảng 3-5% trong tổng chi phí xây dựng, nhưng lại quyết định trực tiếp đến độ bền, độ thẩm mỹ và khả năng bảo vệ công trình." Ông Tuấn dẫn chứng một nhà kho thực phẩm từng phải đập bỏ và thi công lại hoàn toàn nền bê tông vì lớp epoxy phủ sàn kém chất lượng bị bong tróc, gây nguy cơ nhiễm bẩn và vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kiểm soát chất lượng cần cả hệ thống vào cuộc, dù đã có nhiều tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến sơn, keo xây dựng và các vật liệu phủ, song việc thực thi trên thực tế vẫn còn lỏng lẻo.

Không hiếm trường hợp vật liệu được sản xuất bởi các doanh nghiệp "chui" không có đủ giấy phép, không có hệ thống quản lý và kiểm tra chất lượng… thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Và cũng không ít hàng hóa nhập lậu, không được kiểm định tuồn vào các công trình dân sinh thông qua các đại lý nhỏ lẻ.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long – nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng – nhấn mạnh: "Muốn kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng, cần siết chặt đầu vào: từ kiểm định tại nhà máy, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đến việc áp dụng các tiêu chuẩn bắt buộc với sản phẩm dùng trong công trình công cộng, nhà ở dân dụng".

Ngoài ra, ông Long cũng đề xuất việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về vật liệu xây dựng đạt chuẩn, để người tiêu dùng dễ dàng tra cứu, đối chiếu trước khi mua.

Người tiêu dùng cần làm gì?

Kiến trúc sư Nguyễn Hải Dương - người chuyên thiết kế các công trình homestay tại Đà Lạt – chia sẻ: "Chỉ cần biết kiểm tra đơn giản trước tiên về mặt pháp lý như: Xem chứng nhận CO-CQ, giấy phép bảo vệ môi trường của nhà sản xuất sơn, nghiệm thu PCCC nhà máy sản xuất, chứng nhận ISO bảo vệ môi trường… Kiểm tra về mặt kỹ thuật: yêu cầu nhà thầu ghi rõ nhãn hiệu vật liệu trong hợp đồng, trình các kết quả thí nghiệm kiểm tra thời gian khô, mùi, độ bám dính, độ kháng thấm nước, kháng tia UV… đã hạn chế được phần nào rủi ro".

Thị trường sơn xây dựng: Vàng thau lẫn lộn- Ảnh 3.

Thực tế sản phẩm chính hãng thì chất lượng rất tốt nhưng vì giá cao nên nhiều người lựa chọn sản phẩm mua trôi nổi trên thị trường mà không đảm bảo chất lượng.

Ông cũng cho biết, nhiều chủ nhà đang "chọn sai trận chiến" khi tập trung vào mẫu mã, màu sắc mà bỏ qua yếu tố kỹ thuật và pháp lý của sản xuất - vốn là "bức tường thành" bảo vệ công trình khỏi thời gian và thời tiết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Newtec Group cho rằng: Thực tế sản phẩm chính hãng thì chất lượng rất tốt nhưng vì giá cao nên nhiều người lựa chọn sản phẩm mua trôi nổi trên thị trường mà không đảm bảo chất lượng, vì vậy mà các hàng kém chất lượng và sản phẩm đã bị nhái thương hiệu và tự pha chế sản phẩm vì lợi nhuận. Đó chính là nguyên nhân hàng kém chất lượng gặp vấn đề.

"Vì vậy để đảm bảo chất lượng công trình người sử dụng nên lựa chọn các thương hiệu có uy tín và các sản phẩm chất lượng đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế cho dù giá bán có cao hơn chút nhưng đảm bảo độ bền", ông Ngọc Anh nói.

Trên bức tường và mái nhà chị Nhung giờ đây vẫn còn một vết nứt dài, dù đã được "vá" bằng một loại sơn chống thấm mới - lần này do chị tự chọn, sau khi tham khảo kỹ lưỡng từ nhiều nguồn. "Tôi học được rằng, chống thấm không phải chuyện bôi trét – mà là chuyện hiểu đúng, chọn đúng và làm đúng từ đầu", chị chia sẻ.

Tình trạng buôn bán sơn giả đang lan rộng với nhiều thủ đoạn tinh vi tại các tỉnh, thành. Tại Bắc Giang, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện 15 thùng sơn giả nhãn hiệu KOVA, xử phạt 27,5 triệu đồng. Ở Long An, cửa hàng sơn Hải Đăng bị tạm giữ 7 thùng sơn Dulux giả, trị giá khoảng 16,1 triệu đồng. Tại Nghệ An, một đường dây làm giả sơn Jotun, Cova, Đại Việt bị triệt phá, thu giữ hơn 200 thùng sơn và 4 con dấu giả, tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Hà Nội cũng ghi nhận vụ việc 512 thùng sơn Bostik xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các đối tượng thường dùng vỏ thùng thật, dán tem giả, khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Lực lượng chức năng cảnh báo người dân cần mua hàng tại đại lý chính hãng, kiểm tra kỹ tem, hóa đơn và xuất xứ. Với các vụ việc nghiêm trọng, mức phạt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí xử lý hình sự.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.