Thị trường vận tải biển vừa có thêm 500 vỏ container, góp phần giải "cơn khát" container rỗng - một trong những nguyên nhân đẩy giá cước vận chuyển bằng đường biển tăng vọt 250% vừa qua. Đây là vỏ container loại 40 HC do Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát của Việt Nam đóng mới, bàn giao cho SeaCube, một trong những công ty cho thuê container hàng đầu thế giới.

Thị trường vận tải biển vừa có thêm 500 vỏ container, góp phần giải "cơn khát" container rỗng. Ảnh lô hàng 500 vỏ container do Hòa Phát đóng, bàn giao cho SeaCube - công ty cho thuê container hàng đầu thế giới.
Theo tìm hiểu, SeaCube là công ty cho thuê container và các giải pháp hậu cần hàng đầu thế giới, cung cấp các dịch vụ cho thuê container tiêu chuẩn và container lạnh, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đa dạng của các khách hàng quốc tế.
Ông Jorge P. Dias, Phó chủ tịch Điều hành và Mua sắm của SeaCube, chia sẻ: Nhu cầu về container đang rất lớn cả ở Việt Nam và toàn cầu. SeaCube tiếp tục hợp tác với Hòa Phát để cung cấp container cho thị trường vận tải biển đang phát triển. "Sau đơn hàng này, SeaCube sẽ có thể đặt lô hàng lớn hơn với Hòa Phát trong thời gian tới", ông Jorge P. Dias nói và tin tưởng Hòa Phát có thể đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, tiến độ sản xuất vỏ container theo đúng mong muốn và yêu cầu chi tiết của SeaCube.
Ông Vũ Đức Sính, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất container Hòa Phát, cho biết: Vỏ container của Hòa Phát được thiết kế, sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về container đi biển, đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu kỹ thuật trong việc vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa. Việc Hòa Phát bàn giao lô container góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường vận tải biển quốc tế.
Thời gian qua, giá cước vận chuyển container bằng đường biển trên các tuyến đồng loạt tăng vọt. Trong đó, giá cước trên các tuyến đi Mỹ tăng tới 250% so với hồi tháng 3/2024, từ mức 2.950 USD lên 7.350 USD/container 40 feet.
Một trong những nguyên nhân khiến cước vận tải biển tăng vọt là do tình trạng thiếu hụt container rỗng. Giới phân tích lo ngại, thị trường này phải đối mặt với vòng lặp tăng giá cước container như những gì đã từng xảy ra trong giai đoạn 2021 - 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận