Năm 2024, thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, thiên tai xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình trên khắp các vùng miền trên cả nước. Trong đó có 10 trận bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 240 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, 278 trận dông lốc, sét, mưa đá, 409 trận sạt lở và hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, 472 trận động đất, 04 đợt rét hại, 19 đợt gió mạnh trên biển, 17 đợt nắng nóng,…
Thiên tai năm 2024 đã làm 519 người chết, mất tích (gấp hơn 3 lần so với năm 2023 và 2,5 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023); thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng (gấp 10 lần so với năm 2023 và gấp hơn 4 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023).

Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2024, những tháng đầu năm 2025 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. (Ảnh điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, thiên tai đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.
Một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra như: 2 đợt mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt nghiêm trọng (từ ngày 17/5-19/5 và từ ngày 20-22/6) tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh;
Bão số 1 và mưa lũ lịch sử cực đoan, trái mùa, trái quy luật tại các tỉnh miền Trung từ ngày 10-14/6; Dông lốc ngày 19/7 trước Bão số 3 tại Quảng Ninh làm 39 người chết, mất tích; hoàn lưu bão số 3 gây mưa lũ lớn tại Nghệ An…
Không ai bị bỏ lại phía sau
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trước diễn biến thiên tai cực đoan, khốc liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc và phát huy tốt phương châm "bốn tại chỗ", đặc biệt là sự chủ động của người dân và các cấp chính quyền cơ sở.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có Thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn Bão số 3; chủ trì họp Bộ Chính trị và kết luận chỉ đạo về công tác khắc phục hậu quả Bão số 3.

Làng Nủ (Lào Cai) hồi sinh sau lũ quét kinh hoàng lúc rạng sáng 10/9/2024. Ảnh: DT.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân đồng loạt triển khai các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân vùng thiên tai; chủ trì họp với các bộ ngành, địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Cả nước cũng đã huy động nguồn lực lớn khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là Bão số 3 và mưa lũ sau bão, bao gồm 5.530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024; 1.052 tấn gạo, 629 tấn hạt giống các loại, 90.000 lít hoá chất khử trùng; huy động nguồn lực rất lớn gồm 2.675 tỷ đồng ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhiều hiện vật để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng do Bão số 3. Sau Bão số 3 Yagi và mưa lũ sau bão, các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ trên 25 triệu USD cho Việt Nam.
Tồn tại hạn chế kéo dài, dự báo chưa sát thực tế
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai năm qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế kéo dài chưa xử lý dứt điểm, cụ thể là: Thiên tai năm 2024 đã làm 519 người chết, mất tích (gấp hơn 3 lần so với năm 2023 và 2,5 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023); 2.212 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 91.622 tỷ đồng (gấp hơn 9,8 lần so với năm 2023 và 4,3 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023).
Vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản như ở lại trên tàu thuyền khi neo đậu và tham gia giao thông khi có gió bão; di chuyển qua ngầm tràn ngập sâu, nước chảy xiết khi đã có biển cảnh báo…
Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi xảy ra tình huống vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt.
Khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng (hệ thống điện, viễn thông…), nhà ở còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt… (Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5% nhưng đã chịu tác động của bão cấp 11-12, giật cấp 14 vượt mức thiết kế; hệ thống điện, viễn thông bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 Yagi).
Việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn, nhất là các tình huống thiên tai lớn, lịch sử như bão số 3 Yagi. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng còn chậm.
Công tác dự báo, cảnh báo sớm, chi tiết cho một số loại hình thiên tai cực đoan xảy ra trong phạm vi hẹp như mưa lớn cục bộ, sạt lở đất, lũ quét, dông, lốc… còn hạn chế và vẫn luôn là thách thức, nhất là trong các đợt thiên tai lớn bất thường. Cảnh báo gió giật mạnh nhất trong bão Yagi trên đất liền chưa sát thực tế. Chưa có bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tỉ lệ lớn chi tiết cho từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó..
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thời gian tới tiếp tục tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng,...
Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai; triển khai tốt việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai và các công trình cơ sở hạ tầng.
Trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đề án phòng, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét khu vực miền Trung và miền núi phía Bắc...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận