Thử nghiệm có kiểm soát với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KHCN, thúc đẩy ĐMST và CĐS. Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, vai trò của Fintech rất lớn với hoạt động ngân hàng.
Tọa đàm nhằm phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị định 94, nâng cao nhận thức về khung pháp lý, trang bị kiến thức chuyên môn cho các đối tượng áp dụng của Nghị định, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình thử nghiệm. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện "Bộ tứ chiến lược", gồm: Đột phá, phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia (Nghị quyết 57-NQ/TW); hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59-NQ/TW); xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66-NQ/TW); phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68-NQ/TW) để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, phát triển KHCN, ĐMST và CĐS luôn là động lực then chốt giúp ngành Ngân hàng tăng tốc bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động trong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong CĐS, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, thể hiện trên các mặt từ thể chế, hạ tầng đến sản phẩm, dịch vụ"
"Có lẽ đây là Sandbox (Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) đầu tiên của Việt Nam. Theo Nghị định 94, có 3 giải pháp được xem xét tham gia Cơ chế thử nghiệm gồm: Chấm điểm tín dụng, Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), Cho vay ngang hàng (P2P Lending). Trong quá trình triển khai Nghị định, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng để đánh giá và đề xuất mở rộng các giải pháp tham gia Cơ chế thử nghiệm", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, các đơn vị chuyên môn của NHNN cần làm rõ tinh thần trong Nghị định, các dịch vụ là gì, bản chất là gì, các điều kiện, thủ tục, thời gian... để các đơn vị, DN Fintech tham gia. Các bộ, ngành tiếp tục phối hợp NHNN triển khai Nghị định, làm sao các DN tham gia được xem xét nhanh chóng hồ sơ, tạo điều kiện cho các DN tham gia, góp phần cung ứng các dịch vụ tài chính tiện ích cho khách hàng.
Phó Thống đốc cho hay, đến nay, đã có khoảng 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản tại NH và các tổ chức được phép - Đây là điều kiện tiên quyết, tiền đề để chúng ta phát triển các dịch vụ tài chính, đặc biệt tài chính toàn diện. Trong đó có sự hỗ trợ của Fintech. Vai trò của Fintech rất lớn với hoạt động ngân hàng. Fintech và ngân hàng đồng hành cùng phát triển, hai bên hỗ trợ nhau. Ông cũng hi vọng, với Sandbox này, các doanh nghiệp Fintech tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành tài chính tại VN, đặc biệt là giúp cho phát triển toàn diện, bao trùm, giúp những người yếu thế có thể sử dụng dịch vụ tài chính với giá hợp lý, chất lượng tốt.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính
Tọa đàm là dịp để các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty Fintech, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khách hàng, các tổ chức và cá nhân khác có liên quan có thể nắm bắt đúng, đầy đủ các nội dung chính sách tại Nghị định 94 để tổ chức triển khai Nghị định 94 hiệu quả; đáp ứng yêu cầu thực hiện thống nhất các quy định mới, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình thử nghiệm.

Tọa đàm góp phần quan trọng vào quá trình triển khai Cơ chế thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia.
Tọa đàm cũng sẽ góp phần quan trọng vào quá trình triển khai Cơ chế thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng theo chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị định 94 là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực Fintech, là bước đi quan trọng, tạo hành lang pháp lý thử nghiệm trong phạm vi kiểm soát về các giải pháp Fintech trong môi trường thực tế, giúp các tổ chức có căn cứ pháp lý để triển khai các hoạt động kinh doanh mới; đồng thời hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc theo dõi, giám sát và đánh giá rủi ro, từ đó giúp hoàn thiện khung khổ pháp lý về Fintech, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia.
"Với sự hỗ trợ phát triển công nghệ tài chính, chúng tôi tái khẳng định và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác đó. Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát không chỉ khuyến khích sự đổi mới từ các tổ chức cung ứng dịch vụ hiện này mà còn giảm rào cản gia nhập đối với các công ty khởi nghiệp và những tổ chức mới trên thị trường", ông Thomas Gass - Đại sứ Thuỵ Sĩ tại Việt Nam chia sẻ.
Trong khi đó, Phó giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Ron H.Slangen cho biết, hệ thống tài chính tại Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi lớn, được thúc đẩy bởi các công nghệ như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, open API, Blockchain và AI. Sự thay đổi này đang định hình lại hoạt động ngân hàng truyền thống và thúc đẩy sự trỗi dậy của các công ty công nghệ tài chính. Để thích ứng, ADB ủng hộ Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, thúc đẩy tài chính toàn diện và thân thiện với khí hậu, đồng thời cung cấp môi trường thuận lợi cho đổi mới công nghệ tài chính.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các thông lệ quốc tế tốt nhất, thúc đẩy đổi mới, tận dụng chuyên môn của Thụy Sĩ và đầu tư vào các quan hệ đối tác mang lại tác động lâu dài. Mục tiêu chung của chúng tôi là giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống tài chính có khả năng phục hồi, sáng tạo và dễ tiếp cận với tất cả mọi người. Điều này giúp Việt Nam hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050", Đại sứ Thomas Gass thêm vào.
Tọa đàm Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP cũng sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào 2/7 và tại Đà Nẵng vào 3/7 nhằm truyền tải các nội dung, chính sách tại Nghị định 94/2025/NĐ-CP đến rộng rãi các đối tượng áp dụng trên toàn quốc. Sự kiện sẽ góp phần quan trọng vào quá trình triển khai thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng theo chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận