Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Rác thải ngập ngụa mặt sông Tô Lịch (Hà Nội) sau trận mưa lớn đầu tháng 7.
Chỉ thị nêu rõ, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng tại nhiều nơi, đặc biệt là ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn, ô nhiễm nước tại khu vực đông dân cư, làng nghề. Riêng Hà Nội, nhiều thời điểm chất lượng không khí nằm trong nhóm ô nhiễm cao nhất thế giới, các sông nội đô vượt ngưỡng cho phép nhiều năm liền.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ, tổ chức thực hiện còn thiếu quyết liệt, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ với quy định pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn trong quản lý môi trường; đẩy mạnh đầu tư, huy động nguồn lực xã hội hóa để xử lý ô nhiễm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì rà soát các chương trình, đề án, nhiệm vụ đã được giao, kịp thời tháo gỡ khó khăn, chậm trễ; kiến nghị sửa đổi chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn, bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm theo hướng phù hợp mô hình chính quyền 3 cấp, nâng cao tính răn đe.
Bộ Công an chủ trì kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; mở rộng điều tra hành vi thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che vi phạm; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tội phạm môi trường; hướng dẫn Công an cấp xã phát huy đầy đủ thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Bộ Xây dựng tập trung phát triển giao thông công cộng, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.
Bộ Tài chính bổ sung quy định thu phí khí thải, hỗ trợ phát triển giao thông xanh; Bộ Công thương thúc đẩy công nghiệp môi trường, quản lý chặt máy móc, phế liệu nhập khẩu.
Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra chuyên đề tại các địa bàn xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu buông lỏng quản lý.
UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, công khai danh sách các cơ sở phải lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động, giám sát chặt tiến độ xử lý các chương trình, dự án môi trường; bố trí nguồn lực để xử lý ô nhiễm, hỗ trợ chuyển đổi xanh, xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước và chất lượng môi trường đô thị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận