Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Xã hội

Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành cao tốc qua Thái Bình, Nam Định năm 2026

Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành cao tốc qua Thái Bình, Nam Định năm 2026

12/05/2025, 13:17

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị rút ngắn thời gian, phấn đấu vượt tiến độ dự án cao tốc qua Nam Định, Thái Bình ít nhất 6 tháng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026.

Sáng 12/5, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức lễ khởi công xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình và Khu công nghiệp Hưng Phú.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Ngô Đông Hải cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh, thành phố dự lễ khởi công.

Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành cao tốc qua Thái Bình, Nam Định năm 2026- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình sáng 12/5.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là 2 dự án quan trọng, rất ý nghĩa với tỉnh và vùng, góp phần chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã làm việc với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, trong đó xác định tháo gỡ nút thắt về giao thông phải có tuyến đường cao tốc kết nối giữa 4 địa phương, cửa khẩu, sân bay, cảng biển; kết nối 3 cực tăng trưởng phía Bắc là Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng và kết nối quốc tế.

Nằm trong tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài khoảng 60,9km. Điểm đầu dự án thuộc Km 19+300, đầu cầu vượt sông Đáy thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Điểm cuối tại Km 80+200 tại nút giao giữa quốc lộ 37 mới và đường ven biển, địa bàn xã Thụy Trình (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Tuyến cao tốc có tốc độ thiết kế 120km/h, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m. Toàn dự án sẽ xây dựng 23 cầu trên đường cao tốc và 4 cầu vượt ngang cùng 7 nút giao liên thông.

Dự án được triển khai theo phương thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư hơn 19.700 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND Thái Bình, nhà đầu tư Liên danh Geleximco - Vinaconex - Phuong Thanh Tranconsin - Naso CO - Hoang Cau IIC.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược; tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng, liên kết tỉnh, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương và vùng Duyên hải Bắc Bộ; phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư; khai thác hiệu quả quỹ đất; thúc đẩy giao lưu, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ; bảo đảm an ninh quốc phòng.

Dự án cũng góp phần thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng; tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung và nâng cao đời sống của nhân dân, thay đổi bộ mặt các tỉnh, thành phố và cả nước.

Theo người đứng đầu Chính phủ, dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình, có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu phí dài. Để có đủ điều kiện khởi công dự án, các cơ quan phải cùng xử lý khối lượng lớn công việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như cơ chế chính sách, công tác quy hoạch, lập cũng như điều chỉnh dự án, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đề xuất sửa đổi quy định theo hướng đơn giản, đỡ mất thời gian, lãng phí công sức, thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân.

Tỉnh Thái Bình cần sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục; chú trọng những biện pháp kỹ thuật để xử lý nền đất yếu; quan tâm bảo đảm đủ nguồn cát, nguyên, vật liệu cho dự án trong bối cảnh tỉnh hạn chế về nguyên vật liệu; duy trì tiến độ, chất lượng dự án, không đội vốn, cần chống tham nhũng, tiêu lực, lãng phí, lợi ích nhóm; bảo đảm kỹ, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, đời sống cho người dân bị ảnh hưởng, nhường mặt bằng cho dự án.

Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành cao tốc qua Thái Bình, Nam Định năm 2026- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình.

Thủ tướng lưu ý các nhà đầu tư, nhà thầu giữ đúng cam kết, khẩn trương huy động tối đa máy móc, nhân lực, tổ chức thi công trên tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Các bộ, ngành liên quan cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ địa phương, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; kiên quyết không đùn đẩy, né tránh công việc.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xuống tận công trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên nhà đầu tư, nhà thầu, cán bộ, công nhân, người lao động, không để họ cô đơn trên công trình; quan tâm đời sống người dân; tháo gỡ vấn đề nguyên vật liệu; khẩn trương quy hoạch để khai thác, phát huy tối đa lợi ích từ tuyến cao tốc.

Thủ tướng cũng lưu ý Thái Bình quy hoạch, triển khai lấn biển để phát triển. Các địa phương Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với nhau, khai thác hiệu quả tuyến đường huyết mạch quan trọng này. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương giải quyết công việc theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phát huy kinh nghiệm từ các dự án cao tốc trên cả nước thời gian qua, Thủ tướng đề nghị rút ngắn thời gian, phấn đấu vượt tiến độ dự án cao tốc qua Nam Định, Thái Bình ít nhất 6 tháng; phấn đấu hoàn thành trong năm 2026. Việc đưa tuyến đường vào khai thác càng sớm, tỉnh Thái Bình và vùng Đồng bằng sông Hồng càng có lợi, nhân dân sớm được thụ hưởng thành quả.

Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành cao tốc qua Thái Bình, Nam Định năm 2026- Ảnh 3.

Các công nhân tại lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Tập đoàn Geleximco tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Phú.

Khu công nghiệp Hưng Phú nằm trên địa giới hành chính xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, diện tích hơn 209ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú (công ty thành viên thuộc Tập đoàn Geleximco) làm chủ đầu tư.

Khu công nghiệp Hưng Phú được định hướng trở thành khu công nghiệp đa ngành, sử dụng công nghệ hiện đại, tập trung các ngành như công nghiệp cơ khí chế tạo và lắp ráp ô tô, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ kho bãi logistics, công nghiệp vật liệu xây dựng cao cấp.

Trong đó, dự án lõi mang tính động lực của khu công nghiệp là Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J - sản xuất các dòng xe cao cấp thuộc thương hiệu Omoda & Jaecoo, được đặt tại lô CN2 Khu công nghiệp Hưng Phú, tổng diện tích quy hoạch khoảng 800.000m², tổng vốn đầu tư 800 triệu USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.