Ngày 24/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được truyền trực tuyến tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã phường, đặc khu trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp. Ảnh: VGP.
Theo thống kê, chỉ trong năm 2024 và 7 tháng đầu năm 2025, cả nước đã xảy ra hơn 10.200 sự cố, thiên tai nghiêm trọng.
Thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản, với 519 người chết và mất tích trong năm 2024; 114 người thương vong trong 7 tháng đầu năm 2025. Đặc biệt, bão số 3 (Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong gần 70 năm qua - đã gây thiệt hại lên tới 85.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, làm giảm 0,25% GDP.
Từ thực tiễn trên, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Cần quán triệt 3 nguyên tắc trong phòng thủ dân sự: phòng ngừa từ sớm, từ xa; ứng phó bình tĩnh, an toàn, hiệu quả; khắc phục hậu quả nhanh, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thông tin dự báo, cảnh báo phải "đi nhanh hơn gió bão", ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Thủ tướng yêu cầu xây dựng các mẫu cảnh báo đơn giản, rõ ràng như: "Bão sắp vào, yêu cầu sơ tán ngay! Chính quyền chịu trách nhiệm an toàn tài sản cho nhân dân!".
Thủ tướng yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, đặc biệt là cấp xã – nơi thực hiện phương châm "4 tại chỗ". Chủ tịch UBND xã, phường phải là "tư lệnh tại chỗ", trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân.
Các phương án sơ tán phải cụ thể đến từng hộ, nhất là ở vùng ven biển, triền núi, thường xuyên xảy ra sạt lở, lũ quét. Các điểm trú bão, tránh trú tàu thuyền phải đủ an toàn, đảm bảo nhu yếu phẩm và thuốc men thiết yếu.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu huấn luyện lực lượng xung kích tại chỗ, xây dựng đội ngũ cán bộ xã, thôn nắm chắc phương án, sử dụng tốt thiết bị thông tin, truyền tin bằng loa phát thanh, Zalo nhóm dân cư, kẻng báo động… Phải đảm bảo hậu cần ít nhất 24 - 48 giờ khi bị chia cắt, cô lập.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong xây dựng, vận hành cơ chế phòng thủ dân sự hiệu quả, thiết thực.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng xã, phường trở thành pháo đài phòng thủ dân sự, chủ động, tự cường trước thiên tai, sự cố. Đây là cấp gần dân nhất, biết rõ đặc điểm địa bàn và điều kiện thực tế của từng hộ dân. Các địa phương cần coi đây là trách nhiệm chính trị và nhiệm vụ thường xuyên.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo (gồm Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm Cứu nạn) thành Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận