(Xây dựng) - Sáng 31/5, tại Hà Nội, hưởng ứng ngày Thế giới không Thuốc lá, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), tổ chức điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp - Quốc hội tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể nhằm thực thi hiệu quả Luật Phòng chống tác hại thuốc lá”. Sự kiện được tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ chức Chiến dịch hành động vì trẻ em không thuốc lá (CTFK).
Các đại biểu thảo luận các vấn đề tại Hội thảo.
Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của nạn dịch thuốc lá, với 15 triệu người thường xuyên sử dụng thuốc lá. Thuốc lá cướp đi mạng sống của khoảng 40.000 người mỗi năm. Năm 2011, chi phí trực tiếp cho khám chữa bệnh và chi phí gián tiếp do mất khả năng lao động do ốm đau, tử vong sớm do thuốc lá của 5/25 loại bệnh có liên quan đến thuốc lá là trên 24 ngàn tỷ đồng trong khi tiền thuế thu từ thuốc lá trong năm này chỉ là 12 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn rất rẻ. Hành vi hút thuốc hiện vẫn được xã hội chấp nhận rộng rãi. Các vi phạm về quảng cáo khuyến mại và hút thuốc nơi công cộng còn phổ biến. Những nghịch lý đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất đó là sự can thiệp của ngành Công nghiệp thuốc lá vào các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá.
Việt Nam đã thông qua Công ước về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (FCTC) – từ năm 2004 và có trách nhiệm phải xây dựng, thực thi những quy định nhằm bảo vệ các chính sách kiểm soát thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành Công nghiệp thuốc lá, phù hợp với Hướng dẫn Điều 5.3 FCTC của Tổ chức Y tế Thế giới (2008).
Hướng dẫn Điều 5.3 yêu cầu các nước thành viên phải có các biện pháp như: Nâng cao nhận thức về các chiến lược của ngành Công nghiệp thuốc lá; Hạn chế tương tác và tăng cường tính minh bạch với các tương tác cần thiết; Không nhận tài trợ hay hỗ trợ của các doanh nghiệp thuốc lá; Thiết lập các quy tắc ứng xử cho cán bộ, nhân viên, bao gồm các biện pháp để ngăn cản xung đột lợi ích; Chính phủ hay các nhà quản lý ngân sách không được đầu tư vào ngành Công nghiệp thuốc lá; Các doanh nghiệp thuốc lá phải công khai báo cáo hoạt động thực tế; Các doanh nghiệp thuốc lá và đại lý thuốc lá nên bị cấm tham gia các hoạt động trách nhiệm xã hội; Không khuyến khích hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc trợ cấp cho ngành Công nghiệp thuốc lá; Ngành Công nghiệp thuốc lá phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa được thực thi dẫn đến sự can thiệp của ngành Công nghiệp thuốc lá vào các chính sách y tế công cộng. Trong quá trình xây dựng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, ngành Công nghiệp thuốc lá đã can thiệp vào nội dung những điều khoản liên quan tới những chính sách hiệu quả như: In cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; cấm quảng cáo khuyến mại toàn diện hay cấm Hướng dẫn Điều 5.3 hút thuốc ở các địa điểm công cộng trong nhà. Sự can thiệp của ngành Công nghiệp thuốc lá vào quá trình xây dựng Luật sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã khiến cho thuế suất được thông qua rất thấp so với mức yêu cầu cần thiết để có tác dụng giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá theo mục tiêu quốc gia về kiểm soát thuốc lá.
Sự can thiệp này xảy ra dễ dàng là do ngành Công nghiệp thuốc lá vẫn được Chính phủ nhìn nhận như một ngành Kinh tế có đóng góp, bất chấp những bằng chứng về những tác động tiêu cực về kinh tế của việc sử dụng thuốc lá. Có sự trao đổi các vị trí quan trọng giữa ngành Công nghiệp thuốc lá với cơ quan quản lí nhà nước là Bộ Công Thương.
Ngành Công nghiệp thuốc lá được tham khảo ý kiến về tất cả các chính sách kiểm soát thuốc lá. Chính phủ đã cử đại diện ngành Công nghiệp thuốc lá tham gia vào các phái đoàn tham dự hội nghị thành viên FCTC và đã thể hiện những quan điểm tiêu cực với các nội dung như: Protocol về chính sách kiểm soát buôn lậu hay hướng dẫn thực hiện Điều 6 về Thuế và giá thuốc lá khiến cho uy tín của Việt Nam về y tế công cộng tại COP6 bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều quốc gia trong khu vực đã áp dụng và thực thi những Hướng dẫn Điều 5.3. Năm 2010, Bộ Y tế Philippines đã ban hành một Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế và Ủy ban Dịch vụ Công (tương đương với chức năng của Bộ Nội vụ ở Việt Nam) nhằm bảo vệ hệ thống hành chính công khỏi sự can thiệp của ngành Công nghiệp thuốc lá, bằng cách hạn chế các tương tác và bảo đảm sự minh bạch của các tương tác cần thiết và từ chối sự hợp tác với ngành Công nghiệp thuốc lá.
Bộ Y tế Thái Lan cũng đã ban hành quy định cấm sự can thiệp của ngành Công nghiệp thuốc lá vào quá trình xây dựng các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá. Thêm vào đó, Thái Lan cũng cấm mọi hình thức đóng góp của ngành Công nghiệp thuốc lá như hỗ trợ quá trình soạn thảo hay các chuyến thăm quan đối với các cơ quan và quan chức Chính phủ.
Ngoài ta, tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể với Chính phủ, như: Không bố trí cán bộ Nhà nước tham gia quản lý tại các doanh nghiệp thuốc lá và ngược lại; Xem xét tiến tới việc cấm hoàn toàn các hoạt động “trách nhiệm xã hội” của các Cty thuốc lá. Không nhận tài trợ của ngành Công nghiệp thuốc lá; Xây dựng các quy định cho các cơ quan chức năng/cá nhân trong hoạt động của mình khi làm việc với ngành Công nghiệp thuốc lá trên cơ sở thượng tôn pháp luật Việt Nam và phù hợp với Công ước quốc tế; Thảo luận về những bất cập hiện nay trong thực thi Hướng dẫn Điều 5.3 với các bộ, ngành để tìm giải pháp; các doanh nghiệp thuốc lá phải công khai báo cáo hoạt động thực tế; ngành Công nghiệp thuốc lá phải được theo dõi, giám sát.
Với các Tổ chức xã hội dân sự cần thành lập nhóm nòng cốt vận động thực thi Hướng dẫn Điều 5.3; phi bình thường hóa ngành Công nghiệp thuốc lá; chia sẻ rộng rãi Hướng dẫn Điều 5.3 của Công ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá; tăng cường sự tham gia vào quá trình giám sát và phơi bày các hoạt động của các Cty thuốc lá.
Chúng ta cần khẳng định ngành Công nghiệp thuốc lá có đóng góp về ngân sách nhưng không thể so sánh được với hậu quả ngành thuốc lá để lại khi có hàng triệu người chết và bị bệnh do các sản phẩm thuốc lá.
Do đó, Chính phủ cần lựa chọn ưu tiên các chính sách về sức khỏe, giảm sự can thiệp của ngành Công nghiệp thuốc lá trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Đây là lựa chọn cho lợi ích lâu dài và là lựa chọn của hầu hết các quốc gia trên thế giới tham gia Công ước quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận