Sáng 22/7/, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo "Mô hình Kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường" với sự tham gia của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường.

TS Đào Xuân Hưng - Tổng biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo.
Bài toán rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp
Phát biểu khai mạc, TS Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) không còn là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Đây là giải pháp tối ưu giúp tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, Việt Nam có tiềm năng KTTH rất lớn trong lĩnh vực như nông nghiệp (tái sử dụng phụ phẩm), công nghiệp (thu hồi nhiệt, sử dụng vật liệu tái chế), xây dựng (vật liệu xanh), năng lượng (năng lượng tái tạo), giao thông (điện khí hóa phương tiện), đặc biệt là trong lĩnh vực rác thải và năng lượng tái tạo.
Việc triển khai KTTH đã được định hướng rõ qua Luật bảo vệ môi trường 2020, Quyết định số 222/QĐ-TTg (năm 2025), gần nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025, trong đó yêu cầu cụ thể hóa chính sách tài chính xanh và lộ trình thực hiện KTTH phù hợp điều kiện từng địa phương.
Một trong những thách thức lớn hiện nay là bài toán rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 67.000 tấn rác thải sinh hoạt.
Trong đó, phần lớn đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp, vừa tốn diện tích, vừa gây ô nhiễm môi trường và hoàn toàn ngược lại với nguyên lý của mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xử lý rác gặp không ít rào cản.
TS Nguyễn Đình Trọng (Tập đoàn T-TECH Việt Nam) cho rằng, thực tế triển khai các dự án xử lý rác hiện nay còn nhiều rào cản, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư, ứng dụng công nghệ và nhân rộng mô hình hiệu quả.
Rào cản lớn nhất đến từ thể chế, chính sách còn thiếu linh hoạt: Quy trình đấu thầu, phê duyệt đầu tư còn cứng nhắc, thiếu cơ chế thử nghiệm (pilot) cho công nghệ mới. Doanh nghiệp trong nước dễ bị loại nếu chưa có dự án tương tự quy mô lớn.
Vướng mắc còn nằm ở vòng luẩn quẩn "con gà - quả trứng": Không có mô hình mẫu, không được tham gia đấu thầu, nhưng nếu không được đầu tư thí điểm thì làm sao có mô hình để chứng minh hiệu quả. Trong khi nhiều quốc gia có chính sách "đặt hàng công nghệ", thúc đẩy doanh nghiệp nội, Việt Nam vẫn thiếu cơ chế trao cơ hội phù hợp, dù doanh nghiệp có năng lực tài chính và công nghệ.
Dù vậy, tiềm năng KTTH ở Việt Nam rất lớn khi dân số gần 100 triệu, mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải được đặt lên hàng đầu. Nhiều địa phương đã sẵn sàng xã hội hóa đầu tư, thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực môi trường.

Quang cảnh hội thảo.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Từ thực tiễn đó, TS Nguyễn Đình Trọng kiến nghị, cần sớm áp dụng cơ chế giao nhiệm vụ - đặt hàng doanh nghiệp nội theo đúng tinh thần các nghị quyết của Chính phủ; miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi đầu tư theo luật hiện hành để thu hút nguồn lực vào lĩnh vực then chốt nhưng còn nhiều khó khăn. Đồng thời, hình thành cơ chế thử nghiệm chính sách trong xử lý chất thải và KTTH, cho phép mô hình tiên phong được triển khai thực tế, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.
Riêng về rác thải nhựa - cũng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần thay đổi tư duy, "xem nhựa là tài nguyên, không phải rác".
Đại diện Hợp tác xã Thành Công (Hà Nội) chia sẻ, nhựa có thể "hồi sinh" thành nhiều sản phẩm hữu ích như sợi vải, gạch xây dựng, đồ nội thất hay nhiên liệu công nghiệp nếu được phân loại, thu gom và tái chế đúng cách.
Mô hình KTTH đối với rác thải nhựa không chỉ giúp giảm áp lực môi trường, mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất, tối ưu hóa nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp. Một số sáng kiến cộng đồng như "thu gom rác đổi quà", "ngân hàng rác", "tái chế tại nguồn" đang phát huy hiệu quả tại nhiều địa phương, góp phần lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.
Tuy nhiên, để mô hình KTTH trong xử lý rác đi vào thực chất, cần sự phối hợp đồng bộ từ chính sách Nhà nước, đầu tư công nghệ của doanh nghiệp và ý thức người dân. Ngoài ra, việc thúc đẩy trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), thiết kế bao bì dễ tái chế và hỗ trợ công nghệ tái chế hiện đại sẽ là yếu tố then chốt trong hệ sinh thái tuần hoàn.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều tham luận chuyên sâu về xu thế toàn cầu, chính sách hỗ trợ KTTH, tín dụng xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển khu công nghiệp sinh thái, kinh nghiệm quốc tế trong tái chế... Qua đó, các chuyên gia đề xuất nhiều khuyến nghị giá trị cho việc thúc đẩy KTTH gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, KTTH là xu hướng tất yếu để ứng phó khủng hoảng tài nguyên, biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. KTTH tổ chức lại sản xuất, tiêu dùng theo hướng giảm khai thác tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm và tái tạo giá trị từ chất thải.
Nguyên tắc cốt lõi gồm: Thiết kế tái tạo, loại bỏ chất thải, giữ nguyên giá trị sản phẩm và chuyển từ tiêu dùng tuyến tính sang tuần hoàn. Mô hình này giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tăng khả năng thích ứng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận