Chính sách nhất quán
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, lần đầu tiên xác định kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Nhà nước thực hiện chính sách nhất quán để mỗi doanh nhân là một chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.
Là một doanh nhân bước vào nền kinh tế từ hơn 30 năm nay, tạo dựng một tập đoàn kinh tế tư nhân với hàng vạn nhân lực, lớn mạnh cùng đất nước đến ngày hôm nay, bà Nga rất phấn khởi khi đón nhận những tư tưởng mới mẻ, đột phá trong Nghị quyết của Bộ Chính trị. "Nghị quyết đã nhìn thẳng vào thực tế khối kinh tế tư nhân, từ những đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân vào GDP, thu ngân sách, tạo việc làm; đến những tồn tại cố hữu, nguyên nhân và giải pháp", bà Nga chia sẻ.
Theo bà Nga, Nghị quyết 68, cùng với các Nghị quyết thức thời khác trong thời gian qua như Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59 về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới;" Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã mang lại động lực, cảm hứng và niềm tin lớn lao cho giới doanh nhân trong công cuộc chung phát triển kinh doanh, góp phần phát triển đất nước và thực hiện trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nhân.
Tuy nhiên, các doanh nhân nhận thấy rằng việc thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và khoa học Nghị quyết 68 vẫn cần được thực thi một cách bài bản, là yếu tố cốt lõi để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, giúp các doanh nhân yên tâm đầu tư phát triển kinh doanh, làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước để xứng đáng với sứ mạng là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".
Một trong những điểm nổi bật và đáng mừng nhất là Nghị quyết 68 thẳng thắn nhìn nhận không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, điều được xem như 'cởi trói" cho các doanh nhân. Với tinh thần này, cần nhanh chóng đưa Nghị quyết 68 vào thực tiễn để động viên, khuyến khích các doanh nhân tập trung phát triển doanh nghiệp, từ đó đóng góp cho nền kinh tế.
"Trong thời đại hiện nay, có thể ví các doanh nhân như những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Chính vì vậy, Nhà nước cần có sự nhất quán trong chính sách, đưa ra những văn bản, quy định thống nhất để các doanh nghiệp có được sự ổn định, các doanh nhân yên tâm cống hiến", bà Nga thêm vào.
Gỡ điểm nghẽn thể chế, rút ngắn thủ tục khơi thông nguồn vốn
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, điều cốt lõi để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế là phải tháo gỡ các trói buộc, khơi thông những điểm nghẽn thể chế đang kìm hãm sự phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt như hạ tầng và nhân lực. Cải cách Nhà nước cần song hành với cải cách thị trường, nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giúp nền kinh tế vận hành như một tổng thể hữu cơ và cân bằng.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thì phải tháo gỡ các trói buộc, khơi thông những điểm nghẽn thể chế.
Cùng với việc "cởi trói", cần song song tạo lập cái mới. Cụ thể, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, phải "thay máu" lực lượng doanh nghiệp Việt Nam thông qua phát triển các mô hình doanh nghiệp hiện đại, cấu trúc tổ chức mới, phù hợp với thời đại. Đồng thời, cần có hệ thống thể chế tương thích, cùng các điều kiện bảo đảm cho doanh nghiệp đua tranh lành mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
PGS.TS. Trần Đình Thiên đặc biệt đánh giá cao logic hành động xuyên suốt từ Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đến Nghị quyết 198 của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ. Theo ông, các chính sách này đã thể hiện rõ tinh thần cải cách, "cởi trói" thực chất cho khu vực kinh tế tư nhân với một loạt định hướng cụ thể.
Không chủ yếu dựa vào ưu đãi, mà quan trọng hơn là xóa bỏ phân biệt đối xử, bảo đảm tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng; Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự, giảm tối đa thanh tra, kiểm tra; Không áp dụng hồi tố gây bất lợi cho doanh nghiệp; Chuyển đổi tư duy "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; Thuận lợi hóa việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn; Thúc đẩy "thay máu" lực lượng doanh nghiệp thông qua khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, quốc tế hóa "Go Global"; Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt thị trường.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập cụ thể vấn đề cấp thiết nhất hiện tại là làm sao rút ngắn thủ tục để vốn vào nền kinh tế nhanh nhất. Rõ ràng, các doanh nghiệp đang rất muốn đầu tư, nhà đầu tư cũng muốn, nhưng quy trình thủ tục lâu quá. Do đó, ngay sau khi có Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68, VCCI tiến hành rà soát vướng mắc, mong muốn sửa đổi.
Ông Tuấn lấy ví dụ, để một doanh nghiệp đầu tư vào những dự án sử dụng đất thì phải từ quy hoạch chung, phân khu, đến chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục đất đai, cho thuê đất... Thủ tục hiện rất là phức tạp, liên quan đến ít nhất 15 văn bản, kèm theo rất nhiều thủ tục nhỏ. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải đi chạy, quy trình phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan nhiều chính quyền các cấp khác nhau.
"Thực ra, có rất nhiều thủ tục có thể cải cách và điều chỉnh ngay được. Theo tôi thấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rất nhiều về việc tại sao chúng ta có quy hoạch chi tiết rồi, đã đầu tư vào khu công nghiệp, thậm chí đã có đánh giá về tác động môi trường rồi, mà tại sao mỗi dự án vào lại phải xử lý lại từ đầu, như vậy lãng phí về mặt thủ tục", ông Tuấn dẫn chứng.
Về phần mình, TS Phan Đức Hiếu cho rằng, để thực thi Nghị quyết 68, đòi hỏi nỗ lực của cả Chính phủ và các doanh nghiệp. Khi cải cách, thủ tục trở nên đơn giản, cũng là thời điểm nhà đầu tư trẻ có năng lực sẽ gia nhập thị trường, dẫn đến việc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Trước đây, nhờ sự bảo vệ của thể chế, thì nay các doanh nghiệp sẽ dễ bị tổn thương. Do đó, không chịu cải cách, thay đổi tự nâng cao năng lực thì doanh nghiệp sẽ bị đào thải.
Cũng theo ông Hiếu, các Hiệp hội hiện nay đóng vai trò rất quan trọng, có thể thay thế Nhà nước trong việc kết nối doanh nghiệp, kết nối cung cầu, đào tạo nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận