Tại Tọa đàm "Giải 'cơn khát' nguồn nhân lực cho ngành thương mại điện tử: Gắn đào tạo với thực tiễn", do Báo Công thương tổ chức, ngày 1/7, Ông Nguyễn Minh Đức, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết: Sự phát triển vũ bão của thị trường TMĐT, được thúc đẩy bởi các công nghệ mới như AI tạo sinh, các mô hình kinh doanh liên tục được cập nhật, đã đặt ra một thách thức khổng lồ cho hệ thống đào tạo.
Thực tế cho thấy, có một khoảng cách đáng kể giữa kiến thức được trang bị ở nhà trường và kỹ năng mà doanh nghiệp thực sự cần. Bài toán đặt ra không chỉ là đào tạo đủ số lượng, mà là đào tạo đúng và trúng, tạo ra một thế hệ nhân sự sẵn sàng bước vào cuộc chơi và tạo ra giá trị ngay lập tức.

Thương mại điện tử không còn là xu hướng tương lai mà đã và đang là một phần thiết yếu của nền kinh tế hiện tại.
Doanh nghiệp "đỏ mắt" tìm người, sinh viên vẫn loay hoay
Bức tranh tuyển dụng nhân sự ngành TMĐT hiện nay được các chuyên gia mô tả bằng hai từ: Khan hiếm và bất cập. Theo số liệu của một báo cáo chỉ khoảng 30% nhân sự trong ngành được đào tạo bài bản, chính quy, còn lại 70% được đào tạo không đúng chuyên môn phải tự học. Khoảng trống này đang là rào cản lớn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc maketing tại InterDate, giảng viên tại FPT Skillking, chia sẻ một thực tế: "Doanh nghiệp chúng tôi rất khó tuyển được sinh viên mới ra trường được đào tạo bài bản về TMĐT. Thường chúng tôi phải tuyển các bạn từ ngành Digital Marketing rồi đào tạo lại. Việc này tốn rất nhiều thời gian và chi phí để lấp đầy những kỹ năng còn thiếu".
Theo ông Trọng, các kỹ năng mà doanh nghiệp "khát" nhất có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là kỹ năng "cứng" về kỹ thuật và vận hành, như quản lý và vận hành các gian hàng trên sàn TMĐT. "Những kỹ năng này tương đối dễ đào tạo. Chỉ cần 1-2 tháng, một sinh viên có thể vận hành cơ bản một đến hai sàn", ông Trọng cho biết.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nằm ở nhóm kỹ năng thứ hai, đòi hỏi tư duy phân tích và sức sáng tạo cao, bao gồm: Phân tích dữ liệu và sáng tạo nội dung. Ông Trọng nhấn mạnh: "Phân tích dữ liệu đòi hỏi tư duy logic, vì dữ liệu thay đổi hằng ngày, không có công thức cố định. Còn sáng tạo nội dung lại càng khó hơn. Bạn có thể tạo ra một video viral hôm nay, nhưng không ai dám chắc ngày mai bạn có thể lặp lại thành công đó. Đây là những kỹ năng đòi hỏi sự rèn luyện liên tục và tư duy nhạy bén".
Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ càng làm cho khoảng cách này thêm sâu sắc. Ông Nguyễn Minh Đức ví von: "Công nghệ và xu hướng mới ra đời liên tục. Chương trình đào tạo tuần trước có thể đã lỗi thời vào tuần sau. Điều này tạo ra một thách thức cực lớn cho cả người làm nghề lẫn các cơ sở đào tạo". Do đó, việc chỉ trang bị kiến thức nền tảng là không đủ. Sinh viên cần được "nhúng" mình vào một môi trường học tập năng động, nơi họ có thể cọ xát, thực hành và tự cập nhật liên tục.
Nhu cầu cấp thiết này đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện trong phương pháp đào tạo, một cú hích mạnh mẽ từ chính các cơ sở giáo dục để thu hẹp khoảng cách với thực tiễn, biến sinh viên từ những người học thụ động trở thành những chiến binh sẵn sàng ra trận.
Đổi mới từ giảng đường
Đáp lại tiếng gọi từ thị trường, nhiều trường đại học đã và đang tiên phong trong việc đổi mới mô hình đào tạo, với mục tiêu cao nhất là đào tạo ra những nhà quản lý hàng đầu, có tư duy thực chiến và có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Tiến sĩ Lê Ngọc Trung, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP.HCM, cho biết về những mô hình hợp tác đột phá giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ông khẳng định: "Chúng tôi không chỉ coi doanh nghiệp là nơi thực tập cuối khóa cho sinh viên, mà là đối tác chiến lược quan trọng, một 'giảng đường thứ hai' thực thụ".
Một trong những mô hình nổi bật nhất là "Dự án thực chiến" (live Proẹcts). Thay vì chờ đến năm cuối, sinh viên ngành TMĐT được tham gia vào các dự án thật của doanh nghiệp ngay từ năm thứ hai, thứ ba. "Doanh nghiệp sẽ đặt hàng nhà trường những bài toán cụ thể, ví dụ như làm sao để xây dựng một kênh TikTok tăng doanh số từ 50 lên 100 triệu đồng/tháng, hay làm thế nào để thu hút hàng chục triệu lượt xem. Sinh viên sẽ vận dụng kiến thức đã học để giải quyết bài toán đó, và kết quả đánh giá từ chính doanh nghiệp sẽ là một phần điểm số quan trọng của môn học," TS Trung giải thích.
Bên cạnh đó, khái niệm "Đại sứ số" đang được lan tỏa mạnh mẽ. Mô hình này hướng đến việc trao quyền cho sinh viên, đặc biệt là các bạn đến từ vùng sâu, vùng xa hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Các bạn không chỉ học để làm việc cho doanh nghiệp, mà còn trở thành những người tiên phong, mang tinh thần TMĐT về chính quê hương mình. TS Trung chia sẻ: "Chúng tôi khuyến khích các bạn xây dựng những câu chuyện hấp dẫn cho các sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương, tự tay quay phim, chụp ảnh, livestream bán hàng. Các bạn sẽ trở thành những hạt nhân lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, giúp gia đình và cộng đồng phát triển kinh tế số".
Mô hình đào tạo giờ đây không còn giới hạn trong không gian lớp học. Nhà trường chủ động kết hợp với doanh nghiệp để xây dựng các "phòng lab trong doanh nghiệp" (Lab in lab) và các chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng. Khi một doanh nghiệp cần một nhóm nhân sự chuyên về tối ưu quảng cáo trên TikTok, nhà trường sẽ phối hợp thiết kế một khóa học ngắn hạn, mời chính chuyên gia của doanh nghiệp tham gia giảng dạy và cam kết tuyển dụng những sinh viên xuất sắc nhất.
Sự kết hợp ba bên Nhà trường - Doanh nghiệp - Sinh viên này đang tạo ra một hệ sinh thái đào tạo bền vững. Doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu mà không tốn nhiều chi phí đào tạo lại. Nhà trường khẳng định được uy tín và chất lượng đào tạo gắn liền với thực tiễn. Và quan trọng nhất, sinh viên được trang bị đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm và sự tự tin để bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh.
Kết quả của những nỗ lực này đã được minh chứng qua các cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia, nơi các dự án của sinh viên không chỉ giành giải cao mà còn tạo ra doanh thu thật hàng trăm triệu đồng chỉ trong vài tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận