Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Xã hội

Tổng Bí thư Tô Lâm: Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống, đất nước nở hoa

Tổng Bí thư Tô Lâm: Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống, đất nước nở hoa

24/07/2025, 20:46

"Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do", Tổng Bí thư Tô Lâm xúc động chia sẻ tại cuộc gặp mặt 250 đại biểu là người có công và nhân chứng lịch sử.

Hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), ngày 24/7, Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân và UBND TP Hà Nội tổ chức gặp mặt người có công và nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống, đất nước nở hoa- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: Nguyên Khánh.

Đền ơn đáp nghĩa là mệnh lệnh từ trái tim

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự chương trình.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Không áng văn nào có thể phản ánh đầy đủ về sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta".

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn nhất quán quan điểm "người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc, là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam". Công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn không chỉ là một chính sách lớn mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, là trách nhiệm chính trị, là đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

"Chúng ta tri ân gần 1,2 triệu liệt sĩ – những người con ưu tú đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình. Nhiều người tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, đã gác lại bao ước mơ, hoài bão, những trang sách, giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương để lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Chúng ta tri ân biết bao người đã mãi mãi không trở về, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ ở khắp các chiến trường ác liệt, từ Bắc vào Nam. Có người được may mắn trở về nhà nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Không ít những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi, mang trong người di chứng nặng nề của chiến tranh mà không có gì bù đắp được.

Chúng ta đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ sâu sắc với biết bao nỗi đau vẫn in hằn, biết bao vết thương vẫn ngày đêm đau nhức; biết bao ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những người thân chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình…", Tổng Bí thư xúc động.

Tổng Bí thư khẳng định, "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong suốt 78 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây".

Quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14/CT-TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng; Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn.

Xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống, đất nước nở hoa- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: Nguyên Khánh.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, để có được hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc ngày nay, đất nước đã phải trả giá bằng sự hy sinh to lớn của trên 9,2 triệu người có công với cách mạng. Trong đó, có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600 nghìn thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học.

"Họ là những nhân chứng tiêu biểu, những biểu tượng sống của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng yêu nước và đức hy sinh cao cả", bà Trà phát biểu.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống, đất nước nở hoa- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà người có công, nhân chứng lịch sử. Ảnh: Nguyên Khánh.


Những tấm gương sáng ngời

Cuộc gặp mặt có sự hiện diện của 250 đại biểu là người có công và nhân chứng lịch sử đại diện cho trên 9,2 triệu người có công với cách mạng và thân nhân người có công trên toàn quốc.

Trong số 250 đại biểu, có cán bộ lão thành cách mạng cao tuổi nhất là 101 tuổi, thương binh trẻ tuổi nhất là 32 tuổi, cùng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương bệnh binh, nạn nhân chất độc hóa học và đại diện tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống, đất nước nở hoa- Ảnh 4.

Cựu chiến binh Phạm Văn Tuyết (SN 1954) tại cuộc gặp mặt. Ảnh: Nguyên Khánh.

Trở về sau chiến tranh, cựu chiến binh Phạm Văn Tuyết (SN 1954, mất sức lao động 91%) đã gắn bó gần 50 năm tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh).

Bồi hồi xúc động khi nhớ về đồng đội và phấn khởi trước sự phát triển của đất nước, ông bày tỏ: "Sự phát triển hùng cường của đất nước chính là lời tri ân thiết thực và ý nghĩa nhất, bởi những người đã ngã xuống và bao thế hệ người có công với cách mạng luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc".

Tại buổi gặp mặt, cựu chiến binh Lê Xuân Trinh, người lính từng trải qua 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đã không giấu nổi xúc động khi nhìn lại bức ảnh "nụ cười chiến thắng" của mình cùng đồng đội.

Bức ảnh do nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính chụp tháng 8/1972 ghi lại khoảnh khắc đầy lạc quan của những người lính trẻ giữa hoang tàn đổ nát.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống, đất nước nở hoa- Ảnh 5.

Cựu chiến binh Lê Xuân Trinh, người lính từng trải qua 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Nguyên Khánh.

"Điều thôi thúc chúng tôi vượt qua mọi gian khổ chính là niềm tin mãnh liệt vào ngày mai chiến thắng. Dù sự hy sinh của đồng đội là vô cùng lớn, nhưng tất cả đều giữ vững ý chí chiến đấu để bảo vệ niềm tin ấy.

Hàng năm, cứ vào tháng 7, tôi cùng những người đồng đội lại trở về Thành cổ Quảng Trị để thắp hương, cúng cơm cho những người đã mãi mãi nằm lại nơi đây", ông Trinh xúc động chia sẻ.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống, đất nước nở hoa- Ảnh 6.

Cựu chiến binh Lê Đức Luân chia sẻ tại cuộc gặp mặt. Ảnh: Nguyên Khánh.

Cựu chiến binh Lê Đức Luân, nguyên chiến sĩ pháo cao xạ tại Sư đoàn Phòng không Không quân 367, hiện là Trưởng Ban Hội đồng Thương bệnh binh của Trung tâm Điều dưỡng Thương bệnh binh Thuận Thành chia sẻ, bản thân bị thương tật 92%.

"Tôi bị thương khi xe ô tô trúng phải bom. Bác sĩ thông báo vết thương quá nặng, không thể tiếp tục chiến đấu. Nhưng tôi còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống, được chứng kiến đất nước vươn mình như hôm nay. Trong những giây phút như thế này, tôi lại càng nhớ, thương đồng đội nhiều hơn", ông Luân trải lòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.