"Tôi vừa đạt thỏa thuận tuyệt vời với Indonesia. Tôi đã trực tiếp đàm phán với Tổng thống Prabowo Subianto, một người rất được kính trọng" ông Trump chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội Truth sáng 15/7.

Một công nhân dệt may làm việc tại Tây Java, Indonesia. May mặc là một trong những sản phẩm chủ lực mà Indonesia xuất khẩu sang Mỹ (Ảnh: AFP).
Theo hãng tin CNN, chỉ vài giờ sau khi công bố thỏa thuận trên mạng xã hội Truth, ông Trump đã phát biểu trước báo giới cho biết, theo thỏa thuận, Indonesia sẽ không áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, trong khi Mỹ sẽ áp thuế 19% đối với hàng hóa từ Indonesia.
Ông Trump đồng thời tuyên bố Indonesia cam kết mua 15 tỷ USD sản phẩm năng lượng, 4,5 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp và 50 máy bay Boeing, trong đó nhiều chiếc là loại 777 từ phía Mỹ.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, Indonesia xuất khẩu 20 triệu USD sản phẩm đồng sang Mỹ trong năm ngoái, con số này thấp hơn nhiều so với các nhà cung cấp hàng đầu là Chile và Canada với kim ngạch lần lượt đạt 6 tỷ USD và 4 tỷ USD.
Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Mỹ. Năm 2024, Mỹ nhập khẩu 28 tỷ USD hàng hóa từ Indonesia, trong đó hàng may mặc và giày dép là hai mặt hàng chủ lực. Trong khi đó, Mỹ xuất khẩu sang Indonesia 10 tỷ USD, chủ yếu là hạt có dầu, ngũ cốc, dầu khí và các sản phẩm năng lượng.
"Chúng ta không gia tăng thuế quan đối với Indonesia nhưng họ vẫn phải chịu thuế từ chúng ta nhằm đảo ngược tình trạng bất cân bằng về thương mại theo hướng có lợi cho Mỹ", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với CNBC cùng ngày.
Đây là lần thứ tư trong ba tháng qua ông Trump công bố một thỏa thuận thương mại. Trước đó, ông từng cam kết sẽ đạt được hàng chục thỏa thuận với các đối tác thương mại của Mỹ, nhưng việc hiện thực hóa những lời hứa này không hề dễ dàng.
Chính sách thương mại đầy biến động của ông Trump đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ rơi vào thế bị động. Một số lo ngại các đơn hàng đặt từ nước ngoài có thể bị áp thuế cao đột ngột do ông Trump có thể thay đổi chính sách chỉ bằng một quyết định chóng vánh.
Trong khi đó, ông Trump cho rằng các doanh nghiệp có thể tránh rủi ro đó bằng cách chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế điều này không đơn giản bởi doanh nghiệp có thể gặp khó trong việc tuyển dụng lao động phù hợp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở sản xuất có thể mất nhiều năm và tiêu tốn hàng triệu USD. Ngoài ra, khi dây chuyền sản xuất được chuyển về Mỹ chi phí cũng có thể tăng cao, kéo theo giá thành sản phẩm đối với người tiêu dùng Mỹ bị đội lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận