Hồi sinh ý tưởng hệ thống phòng thủ "Chiến tranh giữa các vì sao"
Theo hãng tin Reuters, phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh Vòm Vàng được coi là trụ cột trong việc bảo vệ nước Mỹ đồng thời cho biết Canada bày tỏ mong muốn tham gia chương trình.

Tổng thống Trump tại buổi công bố thông tin về dự án lá chắn tên lửa Vòm Vàng (Ảnh: Reuters).
Ông Trump cho biết bang Alaska sẽ đóng vai trò quan trọng trong chương trình và các bang Florida, Georgia cùng Indiana cũng sẽ được hưởng lợi từ dự án. Tại buổi họp báo, các công ty như L3Harris Technologies, Lockheed Martin và RTX Corp được nhắc đến như những nhà thầu tiềm năng cho dự án quy mô lớn này.
Được biết, L3Harris Technologies đã đầu tư 150 triệu USD vào cơ sở mới tại Fort Wayne, bang Indiana, nơi sản xuất vệ tinh siêu thanh và cảm biến theo dõi tên lửa đạn đạo ngoài không gian. Đây được coi là một phần trong nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm nâng cao khả năng phát hiện và theo dõi vũ khí siêu vượt âm bằng cảm biến không gian, có thể được điều chỉnh để tích hợp vào Vòm Vàng.
Thông báo ngày 20/5 của Tổng thống Mỹ đánh dấu bước khởi đầu cho nỗ lực của Lầu Năm Góc trong thử nghiệm và cuối cùng là mua sắm tên lửa, hệ thống, cảm biến và vệ tinh tạo nên lá chắn Vòm Vàng.
Được biết, dự án lá chắn tên lửa Vòm Vàng được ông Trump đặt hàng từ tháng 1 với mục tiêu xây dựng một mạng lưới vệ tinh để phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa của kẻ thù. Dự kiến sẽ có hàng trăm vệ tinh được triển khai nhằm phục vụ mục đích giám sát và theo dõi tên lửa.
"Cố Tổng thống Ronald Reagan từng mong muốn sở hữu một hệ thống tương tự từ nhiều năm trước, nhưng khi đó chúng ta chưa sở hữu công nghệ để làm được điều này", ông Trump nói và đề cập đến hệ thống phòng thủ tên lửa trong không gian còn được gọi là "Chiến tranh giữa các vì sao" do ông Reagan đề xuất.
Dự án đầy tham vọng nhưng vướng chi phí khổng lồ
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định dự án sẽ hoàn tất vào cuối nhiệm kỳ của ông, tức khoảng tháng 1/2029.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành nghi ngờ về khung thời gian và chi phí cho dự án. Chương trình hiện đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về chính trị cũng như những bất ổn về việc thu hút nguồn tài trợ.

Đồ họa mô phỏng hệ thống Vòm Vàng do tập đoàn quốc phòng L3Harris Technologies cung cấp.
"Con số mới được đưa ra là 175 tỷ USD, nhưng câu hỏi đặt ra là dự án này sẽ được thực hiện trong bao lâu. Có thể là 10 năm", ông Tom Karako thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.
Theo chuyên gia Karako, ngành công nghệ phần mềm từ Thung lũng Silicon có thể giúp đẩy nhanh tiến trình bên cạnh tận dụng các hệ thống phòng thủ hiện có.
Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội trong tháng này ước tính chi phí thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa Vòm Vàng có thể tiêu tốn tới 831 tỷ USD trong vòng hai thập kỷ.
Ý tưởng về hệ thống lá chắn tên lửa Vòm Vàng được lấy cảm hứng từ hệ thống phòng thủ Vòm Sắt trên mặt đất của Israel, vốn có khả năng ngăn chặn nhiều loại tên lửa và rocket một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, hệ thống Vòm Vàng của ông Trump được đánh giá là tham vọng lớn hơn nhiều khi sở hữu mạng lưới vệ tinh giám sát quy mô lớn và một đội vệ tinh chiến đấu độc lập có khả năng tiêu diệt tên lửa ngay sau khi được phóng lên.
Dù vậy, nguồn tài chính cho Vòm Vàng vẫn chưa có gì chắc chắn. Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đề xuất khoản đầu tư ban đầu trị giá 25 tỷ USD như một phần trong gói ngân sách quốc phòng trị giá 150 tỷ USD.
Song, khoản tài trợ này đang bị ràng buộc vào một dự luật điều chỉnh ngân sách gây tranh cãi và hiện đang gặp nhiều trở ngại tại Quốc hội.
"Nếu dự luật điều chỉnh không được thông qua, nguồn quỹ cho Vòm Vàng có thể sẽ không thành hiện thực. Điều này có thể làm chậm toàn bộ tiến độ của dự án", một lãnh đạo doanh nghiệp theo sát chương trình phát triển hệ thống Vòm Vàng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận