Chiều 24/7, tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết về quy định cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư khi tham gia dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM.

Kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua việc hỗ trợ cho chủ đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo đó, Nghị quyết quy định cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo khoản 1 Điều 31 Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM.
Đối tượng áp dụng là chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại điểm d khoản 1 Điều 63, điểm b khoản 6 Điều 73 và điểm b khoản 4 Điều 74 Luật Nhà ở. Dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được hỗ trợ là dự án thuộc khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 98/2025/NĐ-CP ngày 25/7/2025 của Chính phủ.
Cụ thể, chủ đầu tư được hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi của dự án nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án. Bao gồm: Hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp năng lượng, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống quản lý chất thải rắn, hệ thống vệ sinh công cộng (trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên trong tòa nhà).
Chủ đầu tư được nhận hỗ trợ này sau khi nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Trường hợp dự án có phân kỳ giai đoạn đầu tư thì được xem xét hỗ trợ theo phân kỳ giai đoạn của dự án (theo nguyên tắc nghiệm thu hoàn thành của từng giai đoạn) theo đúng tiến độ dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị quyết được thông qua sẽ thúc đẩy các chủ đầu tư tham gia cải tạo, sửa chữa chung cư cũ.
Thứ hai, hỗ trợ 50% kinh phí di dời, cưỡng chế di dời theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 6 Điều 73 và điểm b khoản 4 Điều 74 của Luật Nhà ở (được thực hiện sau khi chủ đầu tư hoàn thành phương án di dời, cưỡng chế di dời đã được cơ quan có thẩm
Việc ưu đãi, hỗ trợ chỉ áp dụng đối với các dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận nhà đầu tư sau ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Về phương thức ưu đãi, căn cứ vào kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng về sự phù hợp của việc xác định giá trị thực hiện hạng mục, nội dung được hỗ trợ tại Nghị quyết này của chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách chi thường xuyên để hỗ trợ ưu đãi trên địa bàn TP.HCM.
Kinh phí thực hiện hỗ trợ, ưu đãi theo Nghị quyết này từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách TP.HCM. Sở Xây dựng là cơ quan được bố trí dự toán kinh phí bằng nguồn vốn chi thường xuyên ngân sách TP.HCM.
Trước đó, theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết nhằm mục đích thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, xuống cấp, nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho cư dân và góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị sau sáp nhập. Đây cũng là cơ sở triển khai các chính sách, cơ chế ưu đãi phù hợp với điều kiện của địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư.
Về thẩm quyền, Nghị quyết này hoàn toàn phù hợp với Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 95/2024/NĐ-CP và Nghị định số 98/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Các văn bản này đều cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành cơ chế ưu đãi về tài chính và hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương cho các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Sở Xây dựng đã khảo sát 16 dự án mẫu với tổng kinh phí hạ tầng và di dời tạm tính là 258,273 tỷ đồng. Với mức hỗ trợ 50% và khống chế 10 tỷ đồng/dự án, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là 103,638 tỷ đồng trong thời gian 7 năm (2026-2032). Ban Kinh tế - Ngân sách nhận định mức hỗ trợ này, tuy không lớn so với tổng mức đầu tư, nhưng mang tính khích lệ, động viên nhà đầu tư tham gia, và ngân sách Thành phố đủ khả năng bố trí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận