Ngày 24/7, kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 đề cập nhiều nội dung quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP.HCM khẳng định hệ thống Mặt trận các cấp đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thời gian qua, nhiều chương trình an sinh xã hội, phúc lợi cho người dân được triển khai hiệu quả, đảm bảo toàn diện. Cử tri và nhân dân thành phố rất ủng hộ, quan tâm tới kỳ họp thứ 2 khi có có nhiều nghị quyết được thông qua.
Tuy nhiên, chính quyền thành phố cần nghiên cứu, vận dụng phù hợp các cơ chế, chính sách đặc thù để có giải pháp căn cơ, giải quyết một số vấn đề như nhiều người dân mua nhà chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) kéo dài nhiều năm; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Ông Tuấn cũng mong muốn thành phố tiếp tục quan tâm một số vấn đề như tiếp tục kiên quyết xử lý, đẩy lùi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, siết chặt quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm, từ sản xuất, chế biến đến phân phối, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối và thức ăn đường phố; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường xuyên tại bếp ăn tập thể, bán đồ ăn không bảo đảm vệ sinh thực phẩm ở cổng trường học, khu công nghiệp, hàng quán ven đường.
Đối với các dự án, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, nhất là những dự án liên quan cải thiện môi trường, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. Tiếp tục quan tâm triển khai chính sách an sinh xã hội của người dân có hiệu lực từ ngày 1/7 như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...

Vấn đề người dân đã mua nhà chung cư nhưng chưa được cấp sổ hồng được đề xuất tháo gỡ.
Phó chủ tịch MTTQVN TP.HCM cũng kiến nghị, thời gian tới, chính quyền địa phương 2 cấp phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình thông tin địa chỉ trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công của địa phương để thuận tiện giao dịch khi có nhu cầu.
"Quan tâm rà soát, giải quyết các thủ tục hành chính, đơn thư kiến nghị, phản ánh của người dân còn tồn đọng trước khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân", ông Tuân nói.
Thêm đó, ông Tuấn kiến nghị thành phố triển khai, đánh giá các giải pháp tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc nhằm tiếp tục đề xuất, điều chỉnh chính sách phù hợp giai đoạn tới.
Sớm có phương án bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm tránh lãng phí, tiêu cực; rà soát chính sách còn có độ chênh giữa các địa phương sau khi sáp nhập, nhất là chính sách về an sinh xã hội theo hướng thực hiện định mức tốt nhất có thể.
Tại kỳ họp thứ 2, đại diện UBND TP.HCM cũng có tờ trình quy định cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư tham gia những dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.
Theo báo cáo, từ năm 1999, TP.HCM chủ trương xử lý, cải tạo nhiều chung cư, khu tập thể cũ; đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng mới nhằm thay thế các chung cư xuống cấp, đảm bảo an toàn cho cư dân, đồng thời phục vụ mục tiêu chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Căn cứ Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định số 95/2024/NĐ-CP và Nghị định số 98/2024/NĐ-CP của Chính phủ, UBND TP.HCM cho rằng, cần sớm ban hành nghị quyết về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích chủ đầu tư tham gia các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Theo tờ trình, thành phố sẽ hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án. Ngoài ra, các chi phí di dời, cưỡng chế theo quyết định của cơ quan thẩm quyền cũng được hỗ trợ 50%.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ được giải ngân sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghiệm thu công trình hạ tầng hoặc hỗ trợ chi phí di dời khi đã có phương án di dời được phê duyệt. Các dự án được hưởng ưu đãi phải được chấp thuận đầu tư sau khi nghị quyết có hiệu lực.
Nguồn kinh phí ưu đãi sẽ được bố trí từ ngân sách chi thường xuyên của TP.HCM, thông qua dự toán do Sở Xây dựng quản lý và kiểm tra giá trị hạng mục công trình được hỗ trợ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận