Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Quản lý đô thị

TP.HCM: Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục hành chính về xây dựng ở đâu?

TP.HCM: Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục hành chính về xây dựng ở đâu?

15/07/2025, 19:10

Người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính liên quan tới ngành xây dựng ở TP.HCM có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại trụ sở Sở Xây dựng hoặc trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ.

Theo đó, thủ tục hành chính do Sở Xây dựng TP.HCM thực hiện được công bố công khai trên Cổng dịch vụ công. Người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ hành chính trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn hoặc nộp trực tiếp tại 4 địa điểm tiếp nhận và trả kết quả: Số 60 Trương Định, phường Xuân Hòa; số 63 Lý Tự Trọng, phường Sài Gòn; Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố (cơ sở Bà Rịa-Vũng Tàu, số 4 Nguyễn Tất Thành, phường Bà Rịa và cơ sở Bình Dương, Tòa nhà Trung tâm hành chính, đường Lê Lợi, phường Bình Dương).

TP.HCM: Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục hành chính về xây dựng ở đâu?- Ảnh 1.

Một trong những Văn phòng Sở Xây dựng tại 60 Trương Định, nay là phường Xuân Hòa, TP.HCM.

Theo Quyết định của UBND TP.HCM, Sở Xây dựng có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về xây dựng gồm: Quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn (bao gồm cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải; trừ xử lý nước thải tại chỗ, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất muối); công viên, cây xanh đô thị; chiếu sáng đô thị; nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt sĩ) và cơ sở hỏa táng; kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý không gian xây dựng ngầm; quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu dân cư nông thôn; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải; an toàn giao thông (không bao gồm nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ).

Hiện Sở Xây dựng có 5 trụ sở làm việc tại: 60 Trương Định, phường Xuân Hòa (Sở Xây dựng TP.HCM cũ); 168 Pasteur, phường Sài Gòn (Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cũ); 63 Lý Tự Trọng, phường Sài Gòn (Sở Giao thông Công chánh TP.HCM cũ); 198 Bạch Đằng, phường Bà Rịa (Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ); Tháp A, Tòa nhà Trung tâm Hành chính, phường Bình Dương (Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũ).

TP.HCM: Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục hành chính về xây dựng ở đâu?- Ảnh 2.

Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố - cơ sở Bình Dương, Tòa nhà Trung tâm hành chính, đường Lê Lợi, phường Bình Dương, TP.HCM.

Sau hợp nhất, Ban giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM gồm 1 giám đốc và 17 phó giám đốc. Trong đó, Giám đốc Võ Hoàng Ngân phụ trách chung và trực tiếp phụ trách công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, công tác nội chính, công tác quản lý đầu tư, công tác tài chính.

Các phó giám đốc phụ trách các lĩnh vực tương ứng các phòng chuyên môn, như: ông Trần Quang Lâm phụ trách lĩnh vực bảo trì khai thác công trình giao thông; ông Lê Ngọc Linh phụ trách lĩnh vực đường thủy; ông Võ Khánh Hưng phụ trách lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; ông Bồ Kỹ Thuật phụ trách lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng; ông Trần Sĩ Nam phụ trách lĩnh vực quản lý nhà và thị trường bất động sản...

TP.HCM: Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục hành chính về xây dựng ở đâu?- Ảnh 3.

Ban giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM hiện nay.

Đáng chú ý, lĩnh vực Quy hoạch kiến trúc có 5 phó giám đốc cùng phụ trách, đó là các ông Trương Trung Kiên, ông Phan Văn Tuấn, ông Mai Trung Hưng, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh và bà Dương Thảo Hiền.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Các phó giám đốc được phân công nhiệm vụ thay mặt giám đốc quyết định và chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trước giám đốc và trước pháp luật đối với lĩnh vực, phòng, đơn vị được phân công theo dõi, chỉ đạo. Giám đốc không xử lý những nhiệm vụ, lĩnh vực, công việc đã phân công cho phó giám đốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.