Bộ Nội vụ đang đề xuất bãi bỏ các quy định về ngạch, bậc công chức và chuyển sang quản lý theo vị trí việc làm.
Đây là bước đi phù hợp với xu thế cải cách nền hành chính, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, đổi mới cách thức quản lý công vụ.

Quản lý theo vị trí việc làm được triển khai nghiêm túc, bài bản sẽ là công cụ hữu hiệu để giúp bộ máy tinh gọn mà vẫn hiệu quả, đảm bảo công bằng, minh bạch (ảnh minh họa).
Trước đây, công chức được quản lý theo hệ thống chức nghiệp – tức là theo ngạch với các tiêu chí khá nặng về bằng cấp, thâm niên. Cách làm này giúp xây dựng được đội ngũ có trình độ, phẩm chất, nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế, còn biểu hiện chủ nghĩa bình quân trong đánh giá kết quả công việc.
Chuyển sang mô hình quản lý theo vị trí việc làm sẽ đặt ra yêu cầu rõ ràng hơn: Ai làm việc gì, làm đến đâu, có đáp ứng được yêu cầu công vụ không? Qua đó, thúc đẩy đội ngũ công chức nâng cao năng lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính chắc chắn ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy và nhân sự. Nhiều vị trí lãnh đạo bị rút gọn, một số cán bộ, công chức rơi vào tình trạng dôi dư hoặc không còn phù hợp với yêu cầu mới.
Tuy nhiên, qua những đợt sáp nhập đơn vị hành chính vừa qua, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về công tác cán bộ. Dù vậy, nếu quản lý theo vị trí việc làm được triển khai nghiêm túc, bài bản, đây sẽ là công cụ hữu hiệu để giúp bộ máy tinh gọn mà vẫn hiệu quả, đảm bảo công bằng, minh bạch.
Có hai nhóm công chức cần lưu ý. Một là những người đáp ứng tốt yêu cầu vị trí việc làm. Họ sẽ được tạo điều kiện phát triển, có thêm cơ hội nâng cao thu nhập, khẳng định bản thân. Đây là động lực để họ tiếp tục phấn đấu.
Nhóm thứ hai là những người chưa theo kịp yêu cầu mới - họ có thể rơi vào diện điều chuyển, tinh giản hoặc nghỉ hưu sớm. Với họ, chắc chắn có nhiều băn khoăn, tâm tư.
Tuy nhiên, Nhà nước đã và đang có những chính sách hỗ trợ cụ thể - từ tài chính, chế độ nghỉ hưu sớm đến đào tạo, chuyển đổi vị trí. Vấn đề là cần thực hiện công bằng, nhân văn, lắng nghe và đồng hành để tạo sự đồng thuận.
Đến nay, theo Bộ Nội vụ, 100% bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị, địa phương còn có những khó khăn nhất định. Do tính chất phức tạp, phụ thuộc vào đặc thù ngành, lĩnh vực, địa bàn, dẫn tới chưa hoàn thiện được bản mô tả vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí việc làm bảo đảm khoa học, thống nhất.
Để việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách chính sách tiền lương, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm, việc xây dựng vị trí việc làm cần triển khai đồng bộ, thống nhất, bảo đảm tính liên thông giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong cả hệ thống chính trị.
Việc xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm cần đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất chung, một đầu mối ở Trung ương và bảo đảm phù hợp với quy định của các luật liên quan.
Nếu làm bài bản, hệ thống vị trí việc làm sẽ là nền tảng để trả lương theo vị trí, nâng cao hiệu quả công vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận