Mạnh tay phá đập, giải cứu sông dài nhất châu Á
Cụ thể, 300 trong tổng số 357 đập trên sông Xích Thủy (còn gọi là Hồng Hà, một trong những nhánh quan trọng trên thượng lưu sông Dương Tử) đã bị phá dỡ.
Đồng thời, 342 trong 373 trạm thủy điện nhỏ đã ngừng hoạt động, giúp nhiều loài cá quý hiếm khôi phục chu kỳ sinh sản tự nhiên.

Trung Quốc mạnh tay phá đập, dừng hoạt động thủy điện để giải cứu sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á (Ảnh: SCMP).
Biện pháp trên nằm trong kế hoạch bảo vệ sinh thái sông Dương Tử của Trung Quốc, được triển khai từ năm 2020 với trọng tâm là lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 10 năm và siết chặt quản lý các trạm thủy điện nhỏ.
Đến cuối năm 2021, tỉnh Tứ Xuyên hoàn tất điều chỉnh, quy hoạch lại 5.131 trạm thủy điện nhỏ, trong đó 1.223 trạm bị đóng cửa. Chính quyền địa phương cũng nghiêm cấm khai thác cát để cải thiện môi trường sinh sản cho các loài thủy sinh.
Sông Xích Thủy dài hơn 400km, chảy qua các tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên, được coi là nơi trú ẩn cuối cùng của nhiều loài cá quý hiếm và đặc hữu tại nhánh thượng nguồn quan trọng của sông Dương Tử.
Kế hoạch bảo vệ sông Dương Tử được triển khai trong bối cảnh kể từ năm 2000, không còn ghi nhận cá tầm Dương Tử sinh sản tự nhiên trên toàn bộ dòng sông dài nhất châu Á.
Ngoài ra, trong nhiều thập kỷ, sự xuất hiện dày đặc của đập trên sông và trạm thủy điện ngăn cản dòng chảy, khiến nhiều đoạn sông khô cạn, giảm mạnh diện tích sinh cảnh và bãi đẻ, đồng thời chặn đường di cư của nhiều loài sinh vật.
Hệ sinh thái hồi phục
Theo kết quả giám sát mới nhất, đa dạng sinh học dưới nước tại sông Xích Thủy đang dần được cải thiện với số lượng loài cá tăng rõ rệt tại nhiều đoạn sông.
Báo cáo công bố tháng 8/2024 cho biết kể từ khi áp dụng hàng loạt biện pháp trên quy mô lớn vào năm 2020, đa dạng sinh học tại Dương Tử và các nhánh sông phục hồi ổn định, chất lượng nước đạt mức xuất sắc, cường độ khai thác cát và các dự án ảnh hưởng đến nghề cá cũng giảm rõ rệt.

Nhiều loài sinh vật trên sông Dương Tử và các nhánh sông, đặc biệt là cá tầm Dương Tử, đã có thể phát triển, sinh sản khỏe mạnh (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Đặc biệt, nhiều loài thủy sinh như cá tầm Dương Tử dần lấy lại sinh cảnh và phục hồi sức sống.
Loài cá tầm nước ngọt khổng lồ này từng được coi là sinh vật khổng lồ cuối cùng sống trên sông Dương Tử nhưng bị Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tuyên bố tuyệt chủng ngoài tự nhiên vào năm 2022 do tác động từ việc xây đập và phát triển vận tải đường thủy.
Tuy nhiên, nhóm nhà khoa học thuộc Viện Thủy sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã báo cáo tín hiệu phục hồi đáng khích lệ.
Đội ngũ nghiên cứu thả hai lứa cá tầm Dương Tử xuống sông Xích Thủy trong các năm 2023 và 2024, ghi nhận chúng thích nghi tốt với môi trường tự nhiên và phát triển khỏe mạnh.
Tháng 4/2025, nhóm nghiên cứu thả tiếp 20 con cá tầm trưởng thành xuống đoạn sông tại Quý Châu để đánh giá khả năng di cư tự nhiên. Giữa tháng 4, họ phát hiện cá có hành vi sinh sản tự nhiên và ấp nở trứng thành công.
"Kết quả cho thấy môi trường sinh thái hiện tại của sông Xích Thủy đáp ứng được nhu cầu sinh cảnh và sinh sản của cá tầm Dương Tử", nhóm nghiên cứu nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận