(Xây dựng) - Ngày 23/3, tại Hà Nội, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức công bố chương trình đào tạo mới, gồm 4 chuyên ngành: Kinh tế chính trị và Ngoại giao; Quản lý kinh tế; Kinh tế số và Quản lý; Kinh tế truyền thông và Báo chí.
4 chuyên ngành mới và sự khác biệt
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định: Lễ công bố các chuyên ngành đào tạo trình độ đại học khẳng định quyết tâm đổi mới, khả năng thích ứng của trường trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định: 4 ngành học mới khẳng định quyết tâm đổi mới, khả năng thích ứng của trường trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của đất nước. |
Nhấn mạnh sự khác biệt của 4 chuyên ngành đào tạo mới, theo ông Lê, lần đầu Việt Nam có chuyên ngành kinh tế gắn với chính trị ngoại giao trong bối cảnh toàn cầu hoá; ngoại giao gắn với chính trị để phát triển kinh tế; phân tích dữ liệu trong kinh tế chính trị quốc tế, đàm phán và giải quyết xung đột quốc tế… Trước thay đổi nhanh của nền kinh tế, ngành Kinh tế số tập trung đào tạo sinh viên cách phân tích dữ liệu, quản lý và vận hành doanh nghiệp số, phân tích rủi ro trong nền kinh tế số và mô hình kinh doanh số…
Theo ông Lê, sự khác biệt của kinh tế báo chí truyền thông, khoa không chỉ đào tạo báo chí và truyền thông mà tập trung kinh tế gắn với báo chí truyền thông để đóng góp phát triển kinh tế. Sinh viên sẽ học kinh tế học truyền thông, phân tích dữ liệu trong kinh tế truyền thông, quản lý dự án truyền thông, công nghiệp sáng tạo và tư duy thiết kế… Ngành Quản lý kinh tế tập trung hoạch định phát triển kinh tế, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý đầu tư công, phân tích dữ liệu trong quản lý…
Đào tạo gắn với thực tiễn, AI và số hóa
Ông Lê cho biết: Trước đây, kỹ năng mềm được đào tạo riêng nhưng khi trường đo đầu ra sinh viên chưa phát huy như kỳ vọng; Trường đổi mới phương pháp, các kỹ năng mềm dạy trong từng tiết học. Giảng viên, chuyên gia, doanh nhân sẽ giảng dạy cho sinh viên, đưa cho các em các kiến thức và kỹ năng thực tiễn, xây dựng hệ sinh thái kỹ năng cho sinh viên. Từng môn học gắn AI và số hóa, sử dụng công nghệ, để sinh viên ra trường có chuyên môn, kỹ năng mềm, công nghệ số…
Tại buổi lễ, TS. Nguyễn Thùy Anh giới thiệu, chương trình đào tạo này được thiết kế trên cơ sở tham khảo chương trình cử nhân kinh tế của Trường Đại học Queensland (Úc), điều chỉnh phù hợp với người học Việt Nam; trong đó tập trung tính hiện đại, quốc tế hóa, cá nhân hóa, thực tiễn và liên thông. Sinh viên học 130 tín chỉ, gồm 63 tín chỉ kiến thức chuyên ngành, 17 tín chỉ kiến thức theo nhóm ngành, 14 tín chỉ kiến thức theo khối ngành, 10 tín chỉ theo lĩnh vực và 26 tín chỉ kiến thức chung.
![]() |
4 chuyên ngành đào tạo mới sẽ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thời đại kinh tế số, chuyển đổi số. |
Đánh giá cao chất lượng đào tạo của trường, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn OSB cho biết, hiện nay, Tập đoàn OSB quản trị trên con số nên việc phân tích dữ liệu lớn và phân tích con số rất quan trọng. Chương trình đào tạo mới hay và cần thiết trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng thực chiến để tham gia vào thị trường lao động.
Ông Sơn khẳng định, thầy cô và sinh viên phải sử dụng nền tảng số ứng dụng trong kinh tế số. Nghiên cứu tài sản số, ví dụ thương hiệu của doanh nghiệp đưa lên môi trường số có là tài sản số không? Doanh nghiệp sẽ kết nối hỗ trợ trường trong đào tạo thực tế cho sinh viên.
PGS.TS Trần Đức Hiệp, Trưởng khoa Kinh tế chính trị cam kết, là khoa đa ngành, khoa có trách nhiệm đào tạo nhân lực chất lượng cao, có tính hàn lâm và thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong chuyển đổi số kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo.
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tiền thân là Khoa Kinh tế chính trị -Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, trường có bề dày thành tích. Với đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm và tâm huyết, khoa không chỉ giảng dạy, truyền đạt tri thức mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức trong nước, quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận