Trong nỗ lực nâng cao chất lượng huấn luyện và thành tích thể thao quốc gia, Cục Thể dục Thể thao phối hợp với Công ty CP Công nghệ DreaMaX chính thức triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác huấn luyện ở bốn môn thể thao trọng điểm: Bắn súng, Bắn cung, Taekwondo và Boxing.
Đây được xem là một bước đi tiên phong, mở ra hướng tiếp cận mới cho thể thao thành tích cao Việt Nam.

Cần triển khai sớm ứng dụng AI trong công tác huấn luyện thể thao thành tích cao.
Hệ thống AI được thiết kế để phân tích các yếu tố kỹ thuật chuyên môn như đường bắn, độ trụ, khả năng ra đòn và phòng thủ, đồng thời lượng hóa các chỉ số để đối chiếu với chuẩn mực quốc tế. Toàn bộ dữ liệu được thu thập liên tục từ giai đoạn huấn luyện cho đến thi đấu, nhằm tối ưu hiệu quả huấn luyện và hỗ trợ công tác phân tích chuyên sâu.
Điểm đặc biệt của dự án này nằm ở tính ứng dụng đa chiều. Thay vì chỉ phục vụ riêng cho vận động viên (VĐV) hay huấn luyện viên (HLV), hệ thống AI được thiết kế để hỗ trợ đồng thời ba nhóm đối tượng. Với các nhà quản lý và huấn luyện viên, công nghệ giúp họ có cơ sở dữ liệu đầy đủ để đưa ra quyết định đầu tư đúng hướng, lựa chọn các môn thể thao mũi nhọn, tính toán chính xác thời điểm đạt phong độ cao nhất của từng vận động viên.
Đối với các VĐV, AI cho phép họ theo dõi chi tiết quá trình tập luyện của bản thân, từ đó chủ động điều chỉnh kỹ thuật, chiến thuật phù hợp để nâng cao thành tích. Còn với cộng đồng người hâm mộ, hệ thống tích hợp tính năng truyền thông, giúp mọi người hiểu rõ hơn hành trình khổ luyện và thi đấu của các VĐV, qua đó kết nối gần gũi hơn với thể thao đỉnh cao.
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: "Thời điểm hiện tại là giai đoạn thích hợp để triển khai ứng dụng AI trong công tác huấn luyện thể thao thành tích cao. Đây là bước ngoặt quan trọng của ngành thể thao Việt Nam, và cần được tiến hành nhanh chóng để kịp thời phục vụ công tác xây dựng lực lượng cho SEA Games 33".
Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, việc ứng dụng AI vào huấn luyện thể thao vẫn đối mặt với không ít thách thức. Theo các chuyên gia công nghệ, một trong những hạn chế lớn nhất là chất lượng và độ đa dạng của dữ liệu đầu vào. Các mô hình AI có thể hoạt động thiếu chính xác nếu không được huấn luyện với dữ liệu đủ rộng về độ tuổi, giới tính hay đặc thù từng môn thi đấu, từ đó gây sai số và giảm niềm tin từ phía huấn luyện viên và VĐV.
Ngoài ra, bài toán đảm bảo quyền riêng tư và đạo đức dữ liệu cũng là rào cản đáng kể. Việc xử lý lượng lớn thông tin sinh học, cảm biến cá nhân đòi hỏi quy trình minh bạch và tuân thủ chuẩn mực y tế và pháp lý.
Để khắc phục, các chuyên gia đề xuất cần xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn hóa, mở rộng phạm vi thu thập một cách bài bản, đồng thời đào tạo đội ngũ liên ngành, nơi công nghệ, y học và thể thao có thể phối hợp hiệu quả. Lộ trình ứng dụng AI nên được triển khai từ các môn có tính khả thi cao, sau đó từng bước nhân rộng.
Nếu được triển khai đúng cách và có con người làm chủ, AI sẽ không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn trở thành trợ thủ chiến lược, giúp ngành thể thao Việt Nam tiến gần hơn đến chuẩn mực huấn luyện và thi đấu quốc tế, một cách bền vững và an toàn hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận