Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Đời sống

Vì sao các tuyến đường Đà Nẵng ngập úng chỉ sau trận mưa trong một giờ?

Vì sao các tuyến đường Đà Nẵng ngập úng chỉ sau trận mưa trong một giờ?

06/07/2025, 17:10

Ngày 6/7, trao đổi với PV, Chủ tịch UBND phường Hải Châu (TP Đà Nẵng) Nguyễn Văn Duy cho biết, mưa lớn trong vòng khoảng 1 giờ chiều tối 5/7 khiến cống thoát nước không kịp, gây nên tình trạng ngập úng tại một số tuyến đường.

Mưa lớn vượt công suất thiết kế cống thoát nước

Theo ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch UBND phường Hải Châu (TP Đà Nẵng), mưa xảy ra trong vòng khoảng một giờ với lưu lượng quá lớn khiến cống thoát nước không kịp gây nên tình trạng ngập ở một số tuyến đường.

"Công thiết cho việc thoát nước là từ 30-50mm/h. Tuy nhiên trận mưa hôm qua (5/7) tới gần 80-90mm/h, nên nước thoát không kịp gây nên việc ngập các tuyến đường. 

Tình trạng này diễn ra khi gần đây có mưa trái mùa với lượng mưa rất lớn, không như thiết kế của các cống thoát nước", ông Duy nói.

Vì sao các tuyến đường Đà Nẵng ngập úng chỉ sau trận mưa trong một giờ?- Ảnh 1.

Người dân phải dắt xe vì nước ngập quá nửa bánh xe ở các tuyến đường trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Theo ông Duy, ngày 5/7, do triều thấp nên khi tạnh mưa nước rút rất nhanh, chừng 15 phút sau nước đã rút sạch ở các tuyến đường. Ngoài ra tại trạm bơm Thuận Phước nước cũng thoát tự nhiên chứ không cần vận hành máy bơm.

Nhận định thêm lý do ngập tại các tuyến đường trên địa bàn, ông Duy cho rằng, có một phần do rác tại các cống thoát nước gây bít tắc, cùng đó là lượng đất, cát, xi măng hàng ngày bị cuốn theo nước gây bịt dòng chảy. 

"Cách đây một tháng địa phương đã tổ chức lực lượng nạo vét, khơi thông đất, cát tại các cống thoát nước sau cơn mưa. Tuy nhiên đến nay lượng rác, đất, cát cũng có bồi lấp lại làm nước thoát không kịp", ông Duy chia sẻ. 

Vì sao các tuyến đường Đà Nẵng ngập úng chỉ sau trận mưa trong một giờ?- Ảnh 2.

Lượng mưa quá lớn trong một giờ đồng hồ khiến các tuyến đường ở TP Đà Nẵng ngập cục bộ.

Nhận định về việc diễn biến mưa lớn, thời tiết thất thường trong thời gian gần đây, ông Lê Tùng Lâm, Trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho biết, ngập úng đô thị hiện là vấn đề lớn, nan giải của các thành phố lớn trên cả nước, trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, có 4 nhóm nguyên nhân chủ quan chính gây ra tình trạng ngập úng đô thị hiện nay. 

Cụ thể, đầu tiên là vấn đề quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Thứ hai là tiến độ cải tạo, nâng cấp công trình/hạng mục cũ và đầu tư xây dựng công trình/hạng mục mới của hệ thống thoát nước là chậm hơn tốc độ phát triển đô thị, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố, đô thị cũ hiện hữu.

Thứ ba là việc chuyển đổi, thích nghi trong nhận thức, hành động về cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống thống thoát nước đô thị nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan còn nhiều vướng mắc, chưa đạt yêu cầu. 

Thứ tư do nguồn lực và năng lực quản lý đô thị, kiểm soát sự phát triển đô thị nói chung và quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị nói riêng (tuy có tiến bộ và đạt nhiều kết quả tích cực) nhưng vẫn còn bất cập, hạn chế so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Giải pháp nào chống ngập úng?

Theo ông Lê Tùng Lâm, hiện nay cần nguồn lực rất lớn để cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng hạng mục, công trình thoát nước với kinh phí lên đến khoảng 5.500 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, hiện nay tình hình nguồn lực hạn chế trong bối cảnh khí hậu thời tiết cực đoan chúng ta cần tiếp cận quan điểm và hành động theo hướng thoát nước bền vững hay còn gọi là thoát nước chậm.

Ông Lâm cho rằng, để ứng phó ngập úng hiệu quả mỗi người, mỗi nhà cần phải biết bản đồ ngập úng của thành phố, địa phương, khu dân cư của mình. 

Xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với các nhiệm vụ cụ thể và khả thi; để từng tổ chức, cá nhân dễ biết, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Vì sao các tuyến đường Đà Nẵng ngập úng chỉ sau trận mưa trong một giờ?- Ảnh 3.

Nhiều cống thoát nước bị bịt kín vì rác, đất, xi măng theo nước trôi xuống.

Để khắc phục ngập úng đô thị thành phố, trong thời gian đến cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xử lý thoát nước hàng năm; triển khai phân cấp quản lý thoát nước hiệu quả. 

Tăng cường ứng dụng KHCN, CNTT trong lĩnh vực thoát nước. Xây dựng các hạng mục, công trình thoát nước mưa như cống, trạm bơm chống ngập… 

Ngoài ra, cần nâng cấp cải tạo các tuyến cống liên phường; cải tạo kết cấu vỉa hè để tăng hệ số thấm, các điểm các điểm, khu vực dân cư có hạ tầng thoát nước chưa đảm bảo.

Trưởng Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho rằng nếu đã xác định thích nghi, ứng phó ngập úng trong các tình huống xảy ra thời tiết khí hậu cực đoan (lượng mưa vượt tần suất thiết kế) thì người dân cần được thông báo, cảnh báo sớm. 

Phải chấp nhận một số vị trí, khu vực, tuyến đường vẫn bị ngập, nhưng ngập ở mức độ chấp nhân được; hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản, không để xảy ra thiệt hại tính mạng người dân.

Thành phố cần khẩn trương lập bản đồ ngập úng đô thị, ưu tiên khu vực trung tâm. Trong đó cần thống kê, phân tích, làm rõ các nội dung về vị trí, phạm vi, thời gian, độ sâu ngập, tác động, mức độ thiệt hại do ngập úng gây ra từng vị trí... 

Tăng cường sự tham gia, giám sát của cộng đồng tất cả các khâu quy hoạch, đầu tư xây dựng; quản lý vận hành, nâng cấp cải tạo; duy tu sửa chữa.

Tập trung nguồn lực hoàn thành các công trình thoát nước dở dang. Đẩy mạnh việc nâng cấp, cải tạo, tăng khả năng trữ nước, quản lý vận hành thật tốt các hồ điều tiết hiện có. 

TS. Lê Hùng, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng cho hay, cần đánh giá vấn đề ngập úng trong tổng thể quy hoạch, hạ tầng cống thoát nước, tiêu chuẩn kỹ thuật đến các yếu tố thời tiết, ý thức người dân. 

Đà Nẵng cần sớm hoàn thiện công tác cảnh báo sớm, ứng phó với mưa lụt. Thậm chí cần xây dựng hệ thống cảnh báo ngập lụt đô thị theo thời gian thực khi có mưa lớn. Trường hợp mưa lớn vượt thiết kế để triển khai ứng phó cần có các bản đồ ngập úng/lụt. 

Đồng thời, thành phố cần giải quyết chống ngập cho các khu vực thường xuyên ngập sâu, cùng với đó đầu tư đồng bộ hệ thống trạm bơm, cống dẫn…

Thông tin từ Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát toàn bộ hạ tầng, các công tác triển khai đến công tác ứng phó, xử lý vấn đề ngập, úng trên địa bàn.

Chiều 5/7, tại Đà Nẵng có mưa to, kéo dài đến tối khiến nhiều tuyến đường tại các phường Hải Châu, Hòa Cường, Thanh Khê, Hòa Khánh... ngập nặng.

Tại các tuyến đường Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, Quang Trung... nước ngập quá nửa bánh xe máy khiến người dân phải dắt xe lên lề đường chờ nước rút. Nhiều người dân không khỏi lo ngại tình trạng ngập úng trên địa bàn thời gian qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.