Ghi nhận của PV, cầu Quán Trường là điểm nối giữa đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường Tố Hữu. Vượt qua cầu Quán Trường, người tham gia giao thông sẽ chạm ngay nút giao đường Vành đai 2 - Tố Hữu, nơi có lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng lộn xộn, ùn tắc.

Khi đèn tín hiệu chuyển đỏ, các phương tiện dừng chờ đèn đỏ trên cầu Quán Trường.
Để giảm thiểu tình trạng lộn xộn giao thông mỗi khi bước vào giờ cao điểm, đầu năm 2025, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa cho hoạt động đèn tín hiệu giao thông tại nút giao này. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh mỗi lần có tín hiệu đèn đỏ, các phương tiện đồng loạt dừng trên cầu, đặc biệt các xe tải trọng lớn, khiến cầu bị rung lắc, lo ngại về an toàn, cầu nhanh xuống cấp...
Anh Huỳnh Văn Dũng (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) lưu thông hằng ngày qua cầu Quán Trường vào TP Nha Trang làm việc cho hay, mỗi lần chờ đèn đỏ hoặc sau khi đèn chuyển từ đỏ sang xanh, các xe tải trọng lớn tăng ga gây cảm giác cầu bị rung lắc. Nếu cứ để lâu dài, không biết có ảnh hưởng tuổi thọ của cầu.
Trao đổi về vấn đề này, đại tá Trần Minh Trúc, Phó giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc nghiên cứu, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông ở cầu Quán Trường và cho dừng đèn đỏ trên cầu đảm bảo quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (hiệu lực từ ngày 1/1/2025).
Liên quan tải trọng khi các xe đồng loạt dừng đèn đỏ trên cầu, ông Chu Văn An, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho hay, cầu Quán Trường được thiết kế theo tiêu chuẩn HL93 (Highway Load accepted in 1993, là tải trọng trên đường cao tốc được chấp nhận vào năm 1993), nên có thể chịu được tải trọng của các xe tải loại lớn, đảm bảo an toàn cho phương tiện dừng đèn đỏ trên cầu.
"Khi xây dựng cầu, cơ quan chức năng đã tính đến các yếu tố đáp ứng được lượng xe tải trọng lớn dừng trên cầu cùng thời điểm. Vì vậy, lượng xe lưu thông hay dừng lại trên cầu không vượt qua mức tải trọng tối đa gần như không tạo ra nguy hiểm cho cầu. Cơ quan chức năng cũng nghiên cứu, đề xuất cho phép xe máy được rẽ phải khi đèn đỏ trên cầu để giảm áp lực", ông An nói.

Theo các đơn vị chức năng Khánh Hòa, việc lắp đặt đèn tín hiệu khu vực cầu Quán Trường đảm bảo quy định pháp luật và đã tính toán về tải trọng, kết cấu của cầu.
Để đảm bảo ATGT khu vực cầu Quán Trường, mới đây, TP Nha Trang lắp đặt thêm trụ đèn tín hiệu giao thông ở phía Tây cầu (hướng huyện Diên Khánh về Nha Trang) và lắp biển báo cho phép xe máy được rẽ phải vào đường Vành đai 2 khi đèn đỏ trên cầu. Đèn tín hiệu giao thông mới lắp ở phía Tây cầu được thiết kế hoạt động lệch pha, sớm hơn 15 giây so với trụ đèn phía đông cầu.
Ông Lê Xuân Lộc, Phó trưởng Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị Nha Trang cho biết, mục đích để cắt ngắt quãng lưu lượng xe lưu thông, làm giảm số lượng xe dừng lại trên cầu khi có đèn đỏ. Bước đầu cho thấy lưu lượng xe dừng trên cầu đã giảm đáng kể, giao thông tại khu vực nút giao này ổn định, trật tự.
"Đèn tín hiệu giao thông tại nút giao đường Tố Hữu - Vành đai 2 được điều chỉnh từ đèn tín hiệu chớp vàng sang đèn tín hiệu đỏ - vàng - xanh từ đầu năm 2025 nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại khu vực này. Tuy nhiên, đèn hoạt động theo phương án trên thì khi có tín hiệu đèn đỏ trên đường Tố Hữu, nhiều phương tiện phải dừng xe trên cầu. Để khắc phục tình trạng này, UBND TP Nha Trang khảo sát, đánh giá và quyết định bổ sung đèn tín hiệu và biển báo như trên", ông Lộc nói.
Cầu Quán Trường được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2017, dài hơn 130m, có bề rộng phần xe chạy hai chiều là 14m (2 làn xe mỗi bên).
Năm 2024, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Dự án cải tạo, tổ chức giao thông nút giao đường Vành đai 2 và đường Tố Hữu, kết hợp mở rộng cầu Quán Trường hạ bên, mỗi bên rộng thêm 15,7m.
Cầu sau khi mở rộng sẽ có 10 làn xe (5 làn mỗi hướng), mỗi làn xe rộng 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi bên rộng 3,5m.
Tại nút giao giữa đường Vành đai 2 với đường Tố Hữu (phần nhập vào cầu Quán Trường từ phía đường Tố Hữu), sẽ hầm chui qua đường Tố Hữu, dài khoảng 60m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận