Nhà nước hoàn lại tiền thừa là phù hợp quy định của pháp luật
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường góp ý về quy định Nghị định 76 (76/2025/NĐ-CP) quy định Nhà nước hoàn trả khoản tiền chênh lệch (thừa) mà nhà đầu tư đã nộp hoặc tạm nộp.

HoREA cho rằng Nhà nước trả lại tiền thừa cho doanh nghiệp là phù hợp với quy định hiện hành. Ảnh minh họa.
Theo HoREA, Nghị định số 76 đang quy định trường hợp số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất xác định lại nhỏ hơn số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp hoặc trường hợp số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất xác định lại nhỏ hơn số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã tạm nộp thì chủ đầu tư được xác định đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Tuy nhiên, Nghị định 76 có chỗ chưa hợp lý khi quy định Nhà nước không hoàn trả khoản tiền chênh lệch. HoREA cho rằng Nhà nước cần phải hoàn trả khoản tiền chênh lệch này để bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản hợp pháp của doanh nghiệp.
Lý do sửa đổi quy định này là vì Hiến pháp 2013 quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.
Bộ Luật Dân sự 2015 cũng có quy định về bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, không ai bị hạn chế, tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài em sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
Đồng thời, Nghị quyết 170(170/2024/QH15) của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa cũng không quy định Nhà nước không hoàn trả khoản tiền chênh lệch đối với trường hợp số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất xác định lại mà nhà đầu tư đã nộp hoặc trường hợp số tiền sử dụng đất xác định lại mà nhà đầu tư đã tạm nộp lại nhỏ hơn số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà nhà đầu tư đã nộp hoặc đã tạm nộp đối với một số dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, TP.HCM.
Hiệp hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét đề xuất Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ quy định Nhà nước không hoàn trả khoản tiền chênh lệch và bổ sung quy định cơ chế Nhà nước hoàn trả khoản tiền chênh lệch cho các chủ đầu tư.
Mở rộng đối tượng được gỡ vướng mắc trong đầu tư dự án
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho Báo Xây dựng biết Nghị định 76 cho phép dự án sau khi rà soát, đủ điều kiện, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì các chủ đầu tư được tái khởi động lại 64 dự án bị "trùm màn" tại Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, TP.HCM. được tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, kinh doanh, vừa đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp, khách hàng, người mua nhà, vừa khắc phục được tình trạng "lãng phí" đất đai, vừa đảm bảo ngân sách nhà nước "thu đúng, thu đủ", không bị thất thu, thất thoát.
Tuy nhiên, Hiệp hội nhận thấy không chỉ có 64 dự án tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hoà, TP.HCM mà còn có nhiều địa phương khác cũng có các dự án bị vướng mắc tương tự.
Do vậy, ông Châu kiến nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 170/2024/QH15 và Nghị định 76/2025/NĐ-CP để cho phép áp dụng tương tự đối với tất cả các dự án tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khoảng 1.533 dự án.
Trước đó, Báo Xây dựng đã đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 (Nghị quyết) của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang dự thảo quy định cụ thể hóa nghị quyết trên của Quốc hội. Dự thảo đang quy định, trường hợp số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất xác định lại mà nhỏ hơn số tiền nhà đầu tư đã đầu tư thì số tiền chênh lệch này được khấu trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư tại các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh khác trong thời hạn tối đa 5 năm. Sau 5 năm, nếu chưa khấu trừ hết số tiền thì Nhà nước không hoàn trả tiền chênh lệch. Ông Châu cho rằng quy định này là chưa hợp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận