ThS Lê Tùng Lâm, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng chia sẻ với Báo Xây dựng góc nhìn sâu sắc về vai trò, thách thức và giải pháp triển khai quy hoạch chung (QHC), bản đồ nền (BĐN), bản đồ chuyên đề (BĐCĐ) hướng tới phát triển đô thị hiện đại, bền vững, lấy người dân làm trung tâm.

Trong bối cảnh hiện nay, cấp xã, phường trở thành "tuyến đầu" trong việc quản lý không gian, hạ tầng, dân cư và đời sống cộng đồng.
Thiếu cơ sở pháp lý
Thưa ông, trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương hai cấp, ông đánh giá thế nào về vai trò của QHC, BĐN, BĐCĐ trong việc quản lý không gian, dân cư và hạ tầng ở cấp xã, phường?
Xã, phường là cấp hành chính gần dân nhất, nơi trực tiếp giải quyết những vấn đề về đất đai, xây dựng, môi trường, giao thông và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn xã, phường ở Việt Nam rơi vào tình trạng "trắng quy hoạch", "không bản đồ", nghĩa là không có quy hoạch, bản đồ (nền, chuyên đề) chính thức làm cơ sở pháp lý để quản lý.
Vì sao như vậy? Như chúng ta biết, sản phẩm của quy hoạch theo quy định hiện hành bao gồm 2 thành phần chính là các bản đồ quy hoạch và thuyết minh quy hoạch. Hiện nay, do không có QHC riêng nên các xã, phường phải phụ thuộc vào quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết từ cấp trên.
Nhưng thực tế, quy hoạch phân khu thường được lập chậm, nhiều khu vực, đặc biệt ở vùng ven hay đô thị loại IV, V, vẫn "trắng quy hoạch". Quy hoạch chi tiết thì mang tính cục bộ, chỉ tập trung vào các dự án cụ thể, không bao quát toàn bộ địa bàn.
Thực tế ở xã, phường hiện nay (quận, huyện trước đây), quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, địa phương phải bóc tách, tổng hợp thông tin, bản vẽ của quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật liên quan… trên ranh giới, địa giới hành chính của mình.
Trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, cấp xã, phường không chỉ đơn thuần là đơn vị hành chính cơ sở, mà đang trở thành "tuyến đầu" trong việc quản lý không gian, hạ tầng, dân cư và đời sống cộng đồng.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả vai trò này, chính quyền xã, phường cần được trang bị những công cụ quản lý hiện đại, mà trong đó, QHC và hệ thống bản đồ là nền tảng cốt lõi và trực quan nhất.
Việc lập QHC,BĐN, BĐCĐ đối với cấp xã, phường là cần thiết để cung cấp công cụ quản lý đồng bộ, giúp định hướng phát triển không gian, hạ tầng và dịch vụ công một cách bền vững, sát với thực tiễn địa phương.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những vấn đề mà các xã, phường đang gặp phải khi thiếu QHC, BĐN, BĐCĐ?
Vấn đề thực tế địa phương không có QHC, BĐN, BĐCĐ dẫn đến nhiều hệ quả. Thứ nhất, quản lý xây dựng lúng túng, chính quyền cơ sở thiếu căn cứ pháp lý để xét duyệt hồ sơ xây dựng, xử lý vi phạm, dẫn đến tình trạng quản lý cảm tính.
Thứ hai, phát triển tự phát, nhiều khu vực xảy ra tình trạng chia lô, xây dựng sai phép, gây mâu thuẫn trong sử dụng đất và áp lực lên hạ tầng.
Thứ ba, hạ tầng thiếu đồng bộ: Đầu tư điện, nước, giao thông, trường học, trạm y tế… bị chắp vá, không đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Bên cạnh đó là mâu thuẫn về pháp lý đất đai, thiếu quy hoạch dẫn đến chồng chéo trong quản lý đất đai, gây khiếu kiện, lấn chiếm hoặc khó thu hút đầu tư…
Không để tình trạng "trắng quy hoạch"
Xuất phát từ những bất cập thực tế, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 được đánh giá là bước tiến lớn. Ông có thể phân tích những điểm mới trong luật này trong việc hỗ trợ việc lập QHC đối với cấp xã, phường?
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 đã tạo ra khung pháp lý linh hoạt và toàn diện, mở đường cho việc lập QHC cấp xã, phường. Những điểm mới có thể kể đến như bao phủ toàn bộ lãnh thổ, Luật yêu cầu quy hoạch từ cấp quốc gia đến xã, phường, đảm bảo không còn "trắng quy hoạch". Đây là nền tảng để xã, phường có thể lập QHC riêng, phù hợp đặc thù địa phương.

ThS Lê Tùng Lâm, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng.
Luật cũng phân cấp thẩm quyền cụ thể, trong đó cấp huyện được trao quyền chủ động tổ chức lập và trình duyệt quy hoạch, giúp giảm phụ thuộc vào quy hoạch phân khu cấp trên; công khai, minh bạch dữ liệu quy hoạch qua hệ thống thông tin số, giúp xã, phường dễ dàng tiếp cận và giám sát.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 yêu cầu mọi đồ án quy hoạch phải đánh giá tác động môi trường, hỗ trợ xã, phường kiểm soát rủi ro trong quá trình đô thị hóa. Với cơ chế tài chính rõ ràng, luật hướng dẫn định mức chi phí lập quy hoạch, tạo cơ sở để xã, phường huy động ngân sách hoặc xã hội hóa.
Những điểm này không chỉ làm rõ tính khả thi mà còn tạo điều kiện để triển khai QHC cấp xã, phường một cách linh hoạt, đặc biệt ở các khu vực đô thị hóa nhanh hoặc có nhu cầu quản lý cao.
Công cụ chiến lược
Vậy theo ông, nội dung của một đồ án QHC cấp xã, phường nên bao gồm những gì để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn?
Một đồ án QHC cấp xã, phường cần thể hiện tổ chức không gian tổng thể, cụ thể hóa định hướng phát triển đô thị – nông thôn. Nội dung chính nên bao gồm: Đánh giá hiện trạng sử dụng đất, hạ tầng và dân cư; định hướng phát triển không gian, xác định cấu trúc và khu vực ưu tiên; phân vùng chức năng (khu ở, sản xuất, dịch vụ, cây xanh, mặt nước…); đề xuất hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước, viễn thông…) và hạ tầng xã hội (trường học, y tế, văn hóa…).
Cùng đó, đưa ra nguyên tắc quản lý kiến trúc, cảnh quan và bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, quan trọng nhất là đồ án phải sát với thực tiễn địa phương, đảm bảo tính khả thi.
Ngoài ra, địa phương cần có hệ thống bản đồ cấp xã, phường hiện đại bao gồm: Bản đồ nền (hành chính – địa chính – quy hoạch); Bản đồ chuyên đề (hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số…) quản lý đa lĩnh vực… Các bản đồ này tích hợp và sẵn sàng chia sẻ, kết nối hệ thống lớn hơn của cấp trên.
Để vừa tiết kiệm ngân sách, vừa dễ áp dụng, ông có đề xuất gì về cách triển khai QHC, BĐN, BĐCĐ cấp xã, phường?
Để triển khai QHC, BĐN, BĐCĐ cấp xã, phường hiệu quả, Bộ Xây dựng cần phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể, ưu tiên thí điểm ở những đô thị hoặc khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, địa bàn phức tạp cần tháo gỡ về quy trình, thủ tục, bổ sung kịp thời công cụ liên quan quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, thu hút đầu tư, quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, xử lý thoát nước, VSMT…
Rà soát năng lực, nguồn lực để về lập và sử dụng QHC,BĐN, BĐCĐ cấp xã, phường để triển khai khả thi, đồng bộ, hiệu quả.
Cần xây dựng dữ liệu GIS chuẩn, theo đó, Bộ Xây dựng phát triển bộ khung dữ liệu không gian (GIS schema) và bản đồ cơ sở thống nhất, giúp xã, phường dễ dàng áp dụng và tích hợp với hệ thống quy hoạch quốc gia.
Bên cạnh đó, tích hợp dữ liệu số, kết nối QHC xã, phường vào cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia, đảm bảo khả năng khai thác, cập nhật và chia sẻ thông tin cho quản lý và đầu tư. Tùy thuộc đặc điểm địa bàn, sử dụng tỷ lệ 1/10.000 cho xã miền núi, 1/5.000 cho xã đồng bằng hoặc phường thông thường và 1/2.000 hoặc 1/1.000 cho phường trung tâm.

Xã, phường là cấp hành chính gần dân nhất, nơi trực tiếp giải quyết các vấn đề về đất đai, xây dựng, môi trường, giao thông và phúc lợi xã hội.
Với thực tế hiện nay, ông đánh giá như thế nào về triển vọng của QHC cấp xã, phường trong việc thúc đẩy phát triển đô thị bền vững?
Theo tôi, QHC cấp xã, phường là công cụ chiến lược để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, định hướng phát triển không gian và hạ tầng, đồng thời cải thiện chất lượng sống người dân. Với khung pháp lý từ Luật Quy hoạch 2024, đây là thời điểm chín muồi để thí điểm và triển khai.
Một cấp xã, phường mạnh là nơi có bản đồ tốt, bởi lẽ, bản đồ ở đây không chỉ là công cụ kỹ thuật để định vị không gian, mà là nền tảng số hóa địa phương, phản ánh hiện trạng, tiềm năng và thách thức của mỗi tấc đất, dòng người và cơ sở hạ tầng.
Bộ bản đồ cấp xã, phường, nếu được xây dựng bài bản theo mô hình 3 lớp (hành chính – địa chính – quy hoạch), tích hợp trên nền GIS và dữ liệu số, sẽ trở thành công cụ quản trị thông minh, giúp chính quyền cơ sở: Nắm rõ ranh giới, quỹ đất, dân cư và hạ tầng; ra quyết định nhanh chóng, có cơ sở và minh bạch; chủ động đề xuất, phối hợp và thu hút đầu tư; phòng ngừa vi phạm đất đai, xây dựng từ gốc; đặc biệt, chuyển từ bị động xử lý sang chủ động kiến tạo.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và yêu cầu quản lý không gian ngày càng tinh vi, việc trao cho cấp xã, phường "tấm bản đồ số chuẩn hóa" cũng chính là trao cho họ năng lực hành động, từ dữ liệu đến chính sách, từ hiện trạng đến tương lai.
Nếu được thực hiện đồng bộ, QHC, BĐN, BĐCĐ không chỉ giải quyết các bất cập hiện nay mà còn góp phần xây dựng đô thị – nông thôn hiện đại, bền vững, lấy người dân làm trung tâm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận