PGS.TS Vũ Văn Phúc (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản)
50 năm sau thống nhất, cơ đồ, vị thế Việt Nam từ nghèo nàn vươn thành nền kinh tế năng động, đối tác chiến lược uy tín của các cường quốc. Tinh thần "thần tốc, táo bạo" đang tiếp sức cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đặt nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - các lãnh đạo chủ chốt của đất nước quyết tâm đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển bứt phá.
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả dân tộc chung một con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được định hình rõ ràng và khẳng định là lựa chọn đúng đắn của dân tộc.
Những thành quả vĩ đại sau 50 năm đất nước thống nhất đã tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, xây dựng một đất nước hòa bình, độc lập, giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chịu đựng bao vây, cấm vận, phải đối mặt với những thử thách khốc liệt của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, Việt Nam đã từng bước vượt qua khủng hoảng, khôi phục kinh tế - xã hội và đổi mới toàn diện từ năm 1986.
Thành tựu đổi mới đã đưa Việt Nam từ một quốc gia nghèo, lạc hậu, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò tích cực và có trách nhiệm trong nhiều tổ chức quốc tế.
Sau nửa thế kỷ, khu trung tâm ven sông Sài Gòn hướng về kênh Bến Nghé - Tàu Hủ nay khác biệt với nhiều cao ốc mọc lên.
Những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp Việt Nam tích lũy thế và lực để phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.
Việt Nam đã trở thành một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô kinh tế tăng gần 100 lần so với năm 1986. Thu nhập bình quân đầu người từ dưới 100 USD nay đã tiệm cận 5.000 USD. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, chỉ số hạnh phúc toàn cầu năm 2024 tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143 quốc gia.
Ba trụ cột cốt lõi của chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, ngày càng hoàn thiện, trở thành trụ đỡ vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc.
Ba trụ cột này có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại, củng cố lẫn nhau. Trong đó, nhân dân luôn giữ vai trò trung tâm, là mục tiêu, động lực và nguồn lực cho mọi bước phát triển.
Sau 50 năm thống nhất đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia của Việt Nam ngày càng được củng cố, khẳng định vững chắc nền độc lập dân tộc gắn liền với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam kiên trì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng Đảng vững mạnh, coi phát triển con người là nền tảng; tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Nhờ đó, môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vững chắc; khả năng xử lý các tình huống bảo vệ độc lập, chủ quyền ngày càng linh hoạt, hiệu quả.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế phát triển vượt bậc. Hệ giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam từng bước được định hình, khẳng định.
Chất lượng nguồn nhân lực cũng được nâng cao. Tiềm lực khoa học - công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 4 bậc so với năm 2022, xếp thứ 44/132.
Tuyến đường sắt số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) đã hoàn thành và đưa vào hoạt động đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy từ ngày 8/8/2024.
Về đối ngoại, Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác, khẳng định vai trò là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Từ một quốc gia từng bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu, văn minh nhân loại; trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và du khách quốc tế.
Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam gắn kết chặt chẽ với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thuộc nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất và là một trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.
Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã vươn mình trở thành biểu tượng của hòa bình, ổn định, hiếu khách; từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu vươn lên trở thành câu chuyện thành công, điểm sáng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Sau 50 năm thống nhất, tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, đối ngoại không ngừng được nâng cao, mở ra một cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế mới, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Với tinh thần "thần tốc, táo bạo" của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đất nước ta hôm nay tiếp tục đột phá trong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị, với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hướng tới mục tiêu lớn.
Đại lộ Thăng Long được khởi công xây dựng ngày 20/3/2005 và khánh thành ngày 3/10/2010, nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy đang mở ra nhiều thay đổi căn bản trong tổ chức và vận hành hệ thống chính trị. Khi sáp nhập, cấp tỉnh sẽ có không gian phát triển rộng mở như một vùng kinh tế, giảm bớt sự chia cắt bởi địa giới hành chính và tạo điều kiện để tổ chức Đảng cấp tỉnh triển khai trực tiếp các chủ trương, chính sách xuống tận cấp cơ sở mà không cần qua cấp trung gian.
Việc bỏ cấp huyện không chỉ giúp tinh giản bộ máy, giảm số lượng tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, mà còn tiết kiệm nguồn lực rất lớn để tập trung tái đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, cấp xã, phường, thị trấn - cấp gần dân, sát dân nhất - sẽ được ưu tiên tăng cường đầu tư về nhân lực, vật lực và tài lực, nhằm phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận