Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Thị trường

Việt Nam trước bài toán xăng E10: Còn những gì phải làm?

Thị trường

Việt Nam trước bài toán xăng E10: Còn những gì phải làm?

23/07/2025, 08:47

Việc thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học E10 là yêu cầu cấp bách, nhưng đòi hỏi một lộ trình hợp lý cùng những chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ, tránh lặp lại bài học từ xăng E5.

Bộ Công thương đề xuất lộ trình mới đưa nhiên liệu sinh học E10 vào sử dụng, dự kiến bắt đầu từ năm 2026. Sau gần một thập kỷ gián đoạn, động thái mới này là giải pháp nhằm giảm khí thải, bảo vệ môi trường và tiến gần hơn tới mục tiêu giảm phát thải ròng.

Thế nhưng, khi đồng hồ đếm ngược, chỉ còn chưa đầy 5 tháng, không khí thị trường lại chùng xuống. Doanh nghiệp thấp thỏm, hiệp hội băn khoăn: hạ tầng đã sẵn sàng chưa? ethanol có đủ không? người tiêu dùng có chịu đón nhận hay lại quay lưng như với E5 RON92 (E5 - pha trộn giữa 95% xăng khoáng và 5% ethanol - cồn sinh học)...

Một bên là quyết tâm chính sách và một bên là nỗi bất an của thị trường, câu chuyện chuyển đổi sang xăng E10 (pha trộn giữa 90% xăng khoáng và 10% ethanol) đang nóng lên.

Việt Nam trước bài toán xăng E10: Còn những gì phải làm?- Ảnh 1.

Nhiên liệu sinh học đã được luật hóa và sử dụng bắt buộc tại hơn 50 quốc gia, với xu hướng ngày càng gia tăng (Ảnh minh hoạ).

Cần thí điểm trước khi mở rộng

Ông Văn Tấn Phụng, một doanh nghiệp phân phối xăng dầu nhiều năm kinh nghiệm thẳng thắn nhìn nhận: bài học từ xăng sinh học E5 vẫn còn đó, đừng nóng vội chạy trước thị trường.

"Ngày ấy, doanh nghiệp hăm hở đổ tiền vào bồn bể, cột bơm, đường ống… để đón đầu nhiên liệu sinh học. Nhưng rồi, nhu cầu hụt hơi, kinh doanh thua lỗ, những bồn bể mới tinh lại im lìm, hoen gỉ theo thời gian", ông Phụng nói và lưu ý, nếu thực sự muốn chuyển đổi hoàn toàn sang nhiên liệu sinh học, sẽ phải đầu tư lại từ đầu: bồn bể, tuyến ống, hệ thống phối trộn… Đó là một khoản tiền không hề nhỏ, hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng.

Bởi vậy, ông Phụng đề xuất, cần có lộ trình thí điểm trước khi mở rộng, song song, phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi.

Đồng quan điểm, ông Giang Chấn Tây, một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, cách triển khai cần phải xem phản ứng ngược từ thị trường.

Theo ông, không thể ép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ưu tiên E10 hay buộc người tiêu dùng sử dụng khi trên thị trường vẫn tồn tại các lựa chọn khác như RON 95.

"Người tiêu dùng sẽ luôn chọn loại họ quen dùng, bất chấp mức độ "xanh" của sản phẩm. Vì vậy, nếu muốn E10 thực sự đi vào cuộc sống, Chính phủ cần chính sách dứt khoát: chỉ cho phép lưu hành duy nhất xăng E10, yêu cầu các nhà máy và nguồn nhập khẩu phối trộn ngay từ đầu. Khi không còn lựa chọn khác, người dân buộc phải dùng E10 — không vì bị ép mà vì đó là tiêu chuẩn bắt buộc.

Việt Nam trước bài toán xăng E10: Còn những gì phải làm?- Ảnh 2.

Petrolimex là doanh nghiệp đầu tiên thí điểm kinh doanh xăng sinh học E10, từ ngày 1/8 (Ảnh: Hồng Hạnh).

Ngược lại, nếu vẫn duy trì nhiều loại xăng và chỉ "yêu cầu" doanh nghiệp bán thêm E10, kết cục sẽ giống E5: tồn kho, hao hụt, kém hiệu quả, doanh nghiệp buộc phải rút lui và E10 thất bại", ông Tây lập luận.

Nỗi trăn trở cũng hiện hữu với hệ thống xăng dầu chiếm 50% thị phần tại Việt Nam – Petrolimex. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ thí điểm kinh doanh xăng sinh học E10 tại các cửa hàng trên địa bàn TP.HCM (trước sáp nhập) từ ngày 1/8 tới.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Năm, thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Petrolimex, cho biết, việc kinh doanh xăng E10 đòi hỏi sự chuẩn bị nghiêm túc về hạ tầng, công nghệ, bồn chứa chuyên dụng cho cồn nhiên liệu, cùng với sự phối hợp chặt chẽ từ các nhà máy lọc dầu.

Vì vậy, Petrolimex đề xuất Bộ Công thương sớm có chỉ đạo cụ thể về tiến độ triển khai, để các thương nhân đầu mối chủ động đầu tư và chuyển đổi hệ thống kỹ thuật. Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh một số tiêu chuẩn kỹ thuật trong TCVN hiện hành cho phù hợp với nguồn xăng khoáng trên thị trường quốc tế và tương thích với tiêu chuẩn kỹ thuật trong khu vực.

Đồng bộ chính sách, sẵn sàng cho E10 

Giải đáp các băn khoăn trên, trao đổi với Báo Xây dựng, lãnh đạo Bộ Công thương cho hay, bộ sẽ hoàn thiện phương án để trình Chính phủ trong tháng 7. 

Về thất bại của xăng E5, theo vị lãnh đạo, việc sử dụng xăng E5 từ năm 2014 đến nay ở trong nước chưa ghi nhận trường hợp cháy, nổ, tác động tiêu cực đến hiệu suất hoạt động và tuổi thọ của phương tiện. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phần lớn phương tiện sản xuất mới đều được khuyến nghị sử dụng nhiên liệu có chỉ số Octan cao hơn (≥95), dẫn đến nhu cầu với E5 giảm dần. 

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ dành cho xăng sinh học - dù đã có nhiều nỗ lực – vẫn còn thiếu tính đột phá về mặt thuế, phí, cơ chế vận hành… nên chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích mạnh mẽ các bên tham gia chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu dùng. 

Đặc biệt, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn về chất lượng xăng sinh học, dù thực tế sử dụng trong nước và quốc tế đã cho thấy mức độ an toàn và hiệu quả… 

Vì thế, ông cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ cả phía chính sách, doanh nghiệp và truyền thông, để sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng một cách hiệu quả và bền vững. 

Việt Nam trước bài toán xăng E10: Còn những gì phải làm?- Ảnh 3.

Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất dự kiến sẽ vận hành trở lại vào cuối năm 2025 sau hơn một thập kỷ "đắp chiếu" (Ảnh: Trần Mai/Tuoitre).

Ấn định mốc 1/1/2026 sẽ đưa nhiên liệu sinh học E10 vào sử dụng, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, Việt Nam đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để triển khai. 

Theo vị này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiên liệu sinh học đã được luật hóa và sử dụng bắt buộc tại hơn 50 quốc gia, với xu hướng ngày càng gia tăng. 

Tại Mỹ, Canada, các nước Tây Âu đều có kế hoạch sản xuất nhiên liệu thay thế quy mô lớn, bảo đảm cung ứng ổn định. Ở châu Âu và châu Mỹ, tỷ lệ pha cồn tối thiểu 10% đã trở thành quy định bắt buộc. Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Philippines cũng dẫn đầu, phổ biến tỷ lệ 10-15% và đang hướng tới mức 20% trở lên…

Về nguồn cung E100, nếu cả 6 nhà máy trong nước chạy tối đa công suất, sản lượng đạt khoảng 500.000 m³/năm, đáp ứng 40% nhu cầu E10. Phần thiếu có thể nhập khẩu dễ dàng nhờ nguồn cung quốc tế dồi dào. Khi nhu cầu tăng ổn định, 4 nhà máy hiện đang dừng sẽ tái khởi động, từng bước chủ động nguồn cung.

Về hạ tầng sản xuất và lưu trữ, các nhà máy lọc dầu, doanh nghiệp như Bình Sơn, Nghi Sơn, Petrolimex, PVOIL, Sài Gòn Petro… đều đủ khả năng sản xuất, phối trộn và kinh doanh E10, cả theo phương pháp tại bể và trong đường ống. Cả nước hiện có 214 kho xăng dầu với sức chứa đa dạng, bảo đảm khả năng lưu trữ xăng nền, E100 và xăng sinh học.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho hay, nghị định mới sẽ đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, phí bảo vệ môi trường và điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật cho xăng nền, phương tiện để bảo đảm an toàn khi phối trộn với nhiên liệu sinh học.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà máy ethanol, hoàn thiện hệ thống phối trộn tại các kho đầu mối ở ba miền, bảo đảm nguồn cung E100 ổn định.

Ngoài ra, cũng khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu sắn, mía, ngô… gắn với nhà máy ethanol, đồng thời tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã mía để giảm cạnh tranh với lương thực…

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận định, nguyên nhân chính khiến sản lượng xăng E5 suy giảm không phải do người tiêu dùng mất niềm tin hay quay lưng với xăng sinh học, mà chủ yếu do lựa chọn xăng nền chưa phù hợp.

Cụ thể, việc phối trộn E5 với xăng RON92 chất lượng thấp (mức 2), chủ yếu dùng cho xe máy, cùng với vòng đời sản phẩm kéo dài tới 7 năm, không theo kịp xu hướng tiêu dùng vốn ngày càng ưa chuộng xăng chất lượng cao, đã khiến tiêu thụ E5 giảm dần.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đã chuyển sang sử dụng E15, E20.

Do đó, hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành lộ trình cụ thể cho việc phối trộn E10 với cả xăng RON92 và RON95.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.