Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Xây dựng

Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để triển khai các dự án đường sắt quy mô lớn

Xây dựng

Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để triển khai các dự án đường sắt quy mô lớn

06/07/2025, 13:56

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực xây dựng và giao thông đang ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên, một số lĩnh vực còn thiếu như đường sắt đô thị, đường sắt điện khí hóa, đường sắt tốc độ cao, đòi hỏi cần có giải pháp phù hợp.

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu và lạc hậu

Trong những năm qua, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực xây dựng và giao thông đang ngày càng hoàn thiện, trở thành công cụ đắc lực phục vụ công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng.


Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để triển khai các dự án đường sắt quy mô lớn- Ảnh 1.

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là nền tảng để triển khai thành công các dự án đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị tại Việt Nam.

Theo Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện có khoảng 1.476 tiêu chuẩn được phân thành các nhóm: Quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn; khảo sát và thiết kế xây dựng; thi công và an toàn xây dựng; vật liệu và cấu kiện xây dựng; cơ khí và máy xây dựng; đường sắt; đường thủy nội địa; hàng hải; đường bộ; hàng không…

Về quy chuẩn, có 128 quy chuẩn bao trùm đầy đủ các nội dung quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, bao gồm: Quy hoạch xây dựng; số liệu điều kiện tự nhiên; phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng; nhà chung cư; sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; an toàn cháy cho nhà và công trình; công trình tàu điện ngầm; an toàn trong thi công xây dựng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện còn tồn tại một số bất cập trong định hướng quy hoạch hệ thống, mô hình quản lý hệ thống, quy trình tổ chức thực hiện, khả năng hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư.

Hệ thống tiêu chuẩn trong một số lĩnh vực còn thiếu, đặc biệt lĩnh vực đường sắt đô thị, đường sắt điện khí hóa, đường sắt tốc độ cao…

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, Cục đã tiến hành rà soát, xây dựng chuyển đổi toàn bộ gần 11 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 126 tiêu chuẩn quốc gia, ban hành 36 tiêu chuẩn cơ sở. Hiện nay, đang đề xuất xây dựng khoảng 8 bộ tiêu chuẩn Việt Nam đối với công tác đường sắt điện khí hóa.

Đối với đường sắt quốc gia, hiện hệ thống quy chuẩn cơ bản đáp ứng được công tác quản lý đầu tư, vận hành, bảo trì. Tuy nhiên, đối với hệ thống tiêu chuẩn, một số tiêu chuẩn đã ban hành từ lâu không còn phù hợp, một số tiêu chuẩn chuyên ngành đường sắt, hiện nay đang thiếu.

Đường sắt tốc độ cao, hiện đã xây dựng được một số tiêu chuẩn trong lĩnh vực hạ tầng nhưng còn tồn tại ở cách thức triển khai, kế hoạch tổng thể cho nhiệm vụ này chưa có.

Đối với lĩnh vực đường sắt đô thị, hiện nay có 3 tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác, toàn bộ áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài và mỗi dự án áp dụng 1 tiêu chuẩn khác nhau, chưa có tiêu chuẩn tổng thể cho hệ thống.

Cũng theo Cục Đường sắt Việt Nam, đối với đường sắt quốc gia, các tiêu chuẩn hiện còn lạc hậu, hệ thống tiêu chuẩn để tham khảo chung không có, phòng thí nghiệm cũng không có nên việc xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá tính chính xác hay độ an toàn không khả thi.

Đối với đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, do liên quan đến rất nhiều ngành như cơ khí, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin. Để đảm bảo từ thiết kế thi công đến nghiệm thu khai thác, cần khoảng 500 tiêu chuẩn chính, đây là khối lượng khá lớn. Với cách làm như hiện nay, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn…

Ông Đào Ngọc Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải - CTCP (TEDI) cho biết: Tiêu chuẩn được tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau nhưng còn bất cập, không đồng bộ. Nhiều khi có tiêu chuẩn về thiết kế nhưng tiêu chuẩn về vật liệu, thiết bị, thi công nghiệm thu không đồng bộ với tiêu chuẩn thiết kế.

"Cần rà soát để đảm bảo đủ cho tất cả các công trình, trong đó phải rà soát cả tính đồng bộ về hệ thống tiêu chuẩn đối với lĩnh vực đường sắt", ông Vinh cho hay.

Đâu là giải pháp?

Để đảm bảo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn rà soát toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và phân thành loại 8 danh mục cho các loại hình công trình gồm công trình xây dựng dân dụng; công trình xây dựng công nghiệp; công trình đường bộ cao tốc; công trình cảng hàng hải và đường thủy; công trình cảng hàng không; công trình đường sắt đô thị; công trình đường sắt điện khí hóa tốc độ dưới 200km/h; công trình đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam tốc độ trên 200km/h.

Trước một số vướng mắc đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng cho biết: Cần rà soát dự thảo Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn để rút ngắn thời gian lập kế hoạch, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn; kiến nghị Chính phủ giao các Bộ chuyên ngành có thẩm quyền quyết định ban hành toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn thuộc lĩnh vực Bộ ngành mình quản lý theo đúng tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để.

Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để triển khai các dự án đường sắt quy mô lớn- Ảnh 2.

Kỳ vọng Việt Nam sớm xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, bền vững.

Cần khẩn trương chỉnh sửa, bãi bỏ các quy định định mức kinh tế - kỹ thuật không phù hợp thực tiễn trong xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới,…

Rà soát, cắt giảm quy trình, thời gian phê duyệt kinh phí khoa học cấp cho các nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và các hội đồng nghiệm thu nhiều cấp.

Thường xuyên rà soát danh mục và cập nhật, hệ thống hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn các lĩnh vực chuyên ngành; tổ chức thực hiện chuyển đổi các tiêu chuẩn cơ sở thành tiêu chuẩn Việt Nam trong kế hoạch năm 2026, 2027.

Rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn Việt Nam đã được ban hành và tiếp tục xây dựng mới; đặc biệt ưu tiên đối với các tiêu chuẩn phục vụ triển khai các dự án đường sắt quan trọng quốc gia; lựa chọn các tiêu chuẩn cốt lõi để tổ chức xây dựng thành tiêu chuẩn Việt Nam, ban hành trong năm 2026.

"Các viện nghiên cứu, các trường đại học tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, chủ động tích cực tham gia công tác xây dựng tiêu chuẩn, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đường bộ, các tiêu chuẩn đường sắt điện khí hóa, đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao. Hình thành các Ban tiêu chuẩn, quy chuẩn bao gồm các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực chuyên ngành để tham mưu, tư vấn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn theo các lĩnh vực chuyên ngành", ông Lê Trung Thành cho hay.

Cùng đưa giải pháp, phía Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, cần phải thay đổi cách làm và cần có kế hoạch tổng thể, kể cả vấn đề tài chính.

Đối với đường sắt thông thường, tiếp tục rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan để cập nhật, đặc biệt trong đó có bộ tiêu chuẩn đánh giá về an toàn công trình.

Còn đối với đường sắt điện khí hóa tốc độ dưới 200km/h, Cục Đường sắt Việt Nam đã sưu tầm đầy đủ các tiêu chuẩn, định mức và giao Ban Quản lý dự án Đường sắt để xây dựng.

Đối với đường sắt tốc độ cao, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã có báo cáo trình Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng tham mưu để Bộ có định hướng, báo cáo Chính phủ để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phù hợp.

Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt, về công tác biên dịch, thu thập tài liệu các tiêu chuẩn, đối với dự án đường sắt điện khí hóa, trên cơ sở tiếp nhận của Cục Đường sắt Việt Nam, Ban tiếp nhận 88 bộ tiêu chuẩn và đã hoàn thành công tác biên dịch báo cáo Bộ từ 30/5.

Về tiêu chuẩn của đường sắt tốc độ cao, Ban đã phối hợp với Trường Đại học Giao thông vận tải và Đại học Công nghệ giao thông vận tải tổ chức biên dịch và hoàn thiện trước 30/6.

"Đối với các dự án đường sắt điện khí hóa, chúng ta cần khoảng 300 bộ tiêu chuẩn, nay mới có 88 bộ. Thời gian tới, đề nghị các cơ quan, đơn vị, hỗ trợ để có bộ tiêu chuẩn biên dịch phù hợp. Kỳ vọng với nhiều giải pháp, chúng ta sẽ đảm bảo đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để triển khai các dự án đường sắt điện khí hóa và đường sắt tốc độ cao", đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.