Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Vật liệu xây dựng

Xu hướng công trình xanh và phát triển bền vững

Xu hướng công trình xanh và phát triển bền vững

11/04/2025, 09:47

Xu hướng công trình xanh và phát triển bền vững không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết, định hình lại cách chúng ta thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình hiện nay.

Tiêu chuẩn mới cho phát triển bền vững

Công trình xanh hiện nay đang là một xu hướng, một tiêu chuẩn mới nhằm giải quyết những tác động tiêu cực đến môi trường do ngành Xây dựng gây ra. Với mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong suốt vòng đời; công trình xanh không chỉ tập trung vào tiết kiệm năng lượng cho chiếu sáng, điều hòa không khí mà còn ưu tiên vật liệu thân thiện, quản lý chất thải hiệu quả, tiết kiệm nước và tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh.

Xu hướng công trình xanh và phát triển bền vững- Ảnh 1.

Một công trình hiện đại được bao quanh bởi không gian xanh mát, cho thấy nỗ lực trong việc tạo ra sự cân bằng giữa xây dựng và bảo tồn thiên nhiên.

Phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng mang một tầm nhìn rộng hơn. Nó không chỉ giới hạn ở các đặc tính xanh của từng công trình riêng lẻ, mà còn bao hàm các yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường trong toàn bộ quá trình xây dựng và quy hoạch đô thị. Phát triển bền vững đòi hỏi sự cân bằng giữa việc đáp ứng nhu cầu xây dựng hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Tiêu chuẩn xanh - Hướng đi tất yếu

Hiện nay, có hơn 100 quốc gia trên thế giới có Hội đồng/cơ quan phát triển công trình xanh theo 2 mô hình chính (phi Chính phủ hoặc Chính phủ điều hành). Dù mô hình nào, vai trò của Chính phủ trong chính sách và kế hoạch phát triển công trình xanh là rất quan trọng.

Tại Việt Nam, các tiêu chuẩn công trình xanh LEED, LOTUS, EDGE, GREEN MARK được áp dụng nhiều nhất, đòi hỏi quy trình thiết kế tích hợp và đánh giá xuyên suốt dự án bởi nhóm dự án hoặc đơn vị đánh giá chứng nhận SGS Việt Nam.

Theo TS Phùng Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Điện, Trường Điện - Điện tử (Đại học Bách Khoa Hà Nội), việc áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh là một bước đi đúng đắn. Liên quan đến chứng chỉ công trình xanh, trên thế giới hiện nay có khá nhiều bộ công cụ để đánh giá. Hiện nay tại Việt Nam đang áp dụng chủ yếu 4 tiêu chuẩn công trình xanh gồm LEED, LOTUS, EDGE và GREEN MARK. Trong đó tiêu chuẩn LEED và LOTUS đang được ưa chuộng để ứng dụng vào thiết kế và xây dựng công trình xanh.

"Vì chúng ta đang muốn hướng đến việc giảm thiểu tác động của đô thị hóa và công nghiệp hóa lên môi trường, nên việc đi theo các chỉ tiêu cân bằng năng lượng nói chung và đưa ra các sản phẩm thân thiện môi trường nói riêng, là một việc mà cần phải quan tâm nhiều hơn", TS Phùng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bên trong một công trình xanh, việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường là một yêu cầu bắt buộc. Các vật liệu này phải đảm bảo các yếu tố như là tiêu tốn ít năng lượng, có nguồn gốc tự nhiên… Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư về mặt phát triển công nghệ kỹ thuật cũng như sản xuất.

Tiêu chí vật liệu xanh

Xu hướng công trình xanh và phát triển bền vững- Ảnh 2.

Vật liệu xây dựng xanh là "xương sống" của công trình xây dựng.

Theo TS Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội khoa học và tiêu chuẩn kỹ thuật về tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam: "Hiểu một cách đơn giản, vật liệu xanh là những vật liệu được sản xuất với lượng năng lượng tiêu thụ thấp và có khả năng tái chế sau khi hết vòng đời sử dụng.

Trong ngành sản xuất, người ta còn nói đến "quản lý vòng đời sản phẩm". Điều này có nghĩa là từ lúc sản xuất một sản phẩm (tốn nguyên liệu thô) cho đến khi sử dụng (gây hao tổn), chúng ta cần xem xét toàn bộ quá trình.

Một sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ có hao phí tối thiểu trong suốt các công đoạn chế tạo, sử dụng và tái tạo cho vòng đời tiếp theo. Khi tỷ lệ vật liệu xanh được cải thiện, việc đóng góp cho mục tiêu Net Zero trở nên khả thi hơn".

Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần tích hợp thực chất hệ thống quản lý chất lượng và môi trường, không chỉ trên hình thức mà cần thực sự đưa vào vận hành. Bên cạnh đó, cần chủ động chuyển đổi xanh, lồng ghép tiêu chuẩn chất lượng với bảo vệ môi trường ngay từ khâu thiết kế, chọn nguyên liệu, sản xuất, đóng gói, bảo quản và vận chuyển. Toàn bộ quy trình cần ưu tiên bảo vệ môi trường bằng cách ứng dụng công nghệ, vật liệu xanh và sử dụng năng lượng tái tạo.

Việc áp dụng các nguyên tắc xanh và bền vững trong thiết kế, xây dựng và vận hành công trình không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho môi trường, kinh tế - xã hội hiện tại mà còn góp phần xây dựng một tương lai bền vững hơn cho các thế hệ mai sau. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan, từ Chính phủ, doanh nghiệp đến cộng đồng và mỗi cá nhân.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.