Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Giao thông 24h

Ý thức kém, kỹ năng yếu, đường đến trường nhiều rủi ro

Ý thức kém, kỹ năng yếu, đường đến trường nhiều rủi ro

29/04/2025, 08:54

Thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, tỷ lệ tai nạn giao thông ở lứa tuổi 16-18 chiếm khoảng 10-12% tổng số vụ. Đặc biệt, nhóm 18-27 tuổi tuy đã được cấp bằng lái, song do tâm lý bốc đồng, chủ quan, nên tai nạn ở nhóm này chiếm tới 18-20%.

Những vụ tai nạn đau lòng

Hạ tầng giao thông vẫn đang chịu sức ép lớn do sự bùng nổ của phương tiện cá nhân, trong đó xe máy chiếm tỷ lệ áp đảo. Tại các đô thị, tình trạng giao thông hỗn hợp, xe đạp, xe máy, ô tô, xe tải, xe buýt cùng lưu thông trên cùng tuyến làm tăng nguy cơ va chạm. Trong bối cảnh đó, nhóm học sinh dưới 16 tuổi trở thành đối tượng dễ tổn thương nhất.

Ý thức kém, kỹ năng yếu, đường đến trường nhiều rủi ro- Ảnh 1.

Các lỗi vi phạm điển hình trong lứa tuổi học sinh gồm: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, vượt ẩu...

Bạn đọc Báo Xây dựng hẳn chưa quên vụ tai nạn thương tâm liên quan đến một học sinh đi xe đạp điện lao vào gầm xe tải tại Bắc Kạn. Cụ thể, ngày 10/4/2025, một nam học sinh điều khiển xe đạp điện đã lao thẳng vào đuôi xe tải đang đỗ bên đường tại thành phố Bắc Kạn, khiến em ngã và bất tỉnh tại chỗ.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, tại Huế, hai thiếu niên 17 tuổi điều khiển xe máy tốc độ cao trên quốc lộ 49B đã ngã và tử vong

Thực tế, các em học sinh dưới 16 tuổi thường được phụ huynh đưa đến trường do lo ngại về kỹ năng đi xe cũng như kiến thức về an toàn giao thông trong môi trường giao thông phức tạp hiện nay. Học sinh từ 16-18 tuổi lại đối mặt nguy cơ cao hơn.

Ở độ tuổi này, theo luật, các em được phép sử dụng xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe máy dưới 50cc mà không cần giấy phép lái xe.

Trong khi đó, chỉ chênh lệch vài tháng tuổi (15 tuổi 11 tháng so với 16 tuổi 1 tháng) nhưng sự khác biệt về ý thức, khả năng điều khiển phương tiện là không đáng kể.

Điều đáng ngại, tình trạng vi phạm giao thông trong lứa tuổi này diễn ra phổ biến. Các lỗi vi phạm điển hình gồm: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, vượt ẩu...

Theo khảo sát, 90% các vụ tai nạn giao thông với học sinh xảy ra ở nhóm tự đi lại bằng xe đạp, xe đạp điện. Các vụ tai nạn thương tâm chủ yếu do va chạm với xe tải, xe khách; nhiều trường hợp rơi vào điểm mù khi xe tải rẽ, lùi, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Đảm bảo học sinh đủ kiến thức, kỹ năng mới được điều khiển phương tiện

Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Ủy ban đã ban hành Kế hoạch hành động số 282/2024 nhằm thực hiện quy định "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông". Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 1/1/2025) yêu cầu nhóm 16-18 tuổi phải có kiến thức, kỹ năng đầy đủ mới được điều khiển phương tiện.

Để hỗ trợ điều này, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Công an đã phối hợp tổ chức dạy lý thuyết và kỹ năng giao thông trong trường học. Nội dung giáo dục ATGT được lồng ghép vào chương trình Giáo dục công dân, hoạt động trải nghiệm và phong trào thi đua tại nhiều trường học.

Ý thức kém, kỹ năng yếu, đường đến trường nhiều rủi ro- Ảnh 2.

Tuyên truyền thường xuyên cho lứa tuổi học sinh nắm chắc luật khi tham gia giao thông.

Phía nhà trường, thầy Ngô Công Sở, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm (Hà Nội) chia sẻ: Giáo dục ý thức giao thông phải bắt đầu từ khi học sinh còn nhỏ, kiên trì rèn luyện qua hoạt động chính khóa, ngoại khóa, gắn liền với thực tiễn để các em hiểu và tự giác chấp hành.

Về phía lực lượng chức năng, Cục CSGT Bộ Công an cho biết đã tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm giao thông của học sinh; đặc biệt chú trọng lỗi không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi xe máy khi chưa đủ tuổi.

Để tăng tính răn đe, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023, yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông trong lứa tuổi học sinh. Đồng thời, Nghị định 168/2024 cũng tăng mức phạt đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi, vi phạm luật giao thông.

Trung tá Đặng Hồng Giang (Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3, Công an TP Hà Nội) nhìn nhận: Học sinh là nhóm vi phạm đặc thù. Nhiều em chưa hiểu rõ luật giao thông, trong khi sự giám sát của phụ huynh chưa chặt chẽ. Tình trạng học sinh tự ý điều khiển xe mô tô, xe máy vẫn còn phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan học sinh không chỉ gây tổn thất về người, mà còn để lại hậu quả nặng nề cho gia đình, nhà trường, xã hội.

Để thực sự xây dựng môi trường giao thông an toàn cho học sinh, cần sự chung tay mạnh mẽ hơn nữa từ nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.